Cổng chính đề 3 chữ ''Thượng Công Miếu"
Thăm lăng Ông Bà Chiểu. Cái tên thực
rất dễ gây nhầm lẫn nếu không tách ra là Lăng Ông (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) ở
vùng đất Bà Chiểu (cạnh chợ Bà Chiểu), mà dân chúng quen gọi ngắn gọn như vậy.
Thôi cũng không sao.
Ông tên chữ là Văn Duyệt, tổ tiên người
Quảng Nghĩa dời vào ở Định Tường, năm 17 tuổi bỗng nhiên có chí trận mạc để lưu
danh sử sách, theo Thế Tổ Cao hoàng đế ta ở Gia Định, chiến công cực kỳ to lớn.
Sau khi đại định, được phong tước chịu mệnh vua giữ đất an dân, cầm lệnh tiết,
việc xử trí việc lớn với các nước Xiêm La, Chân Lạp, kinh lược hai xứ Nghệ An,
Thanh Hóa, hai lần bình định bọn man mọi tàn ác, một lần tận diệt bọn sư tăng
hung dữ, những nơi ông đến không nơi nào là không quy phục, trước sau ông hai lần
làm Tổng trấn Thành Gia Định gần 20 năm nên đã để lại niềm kính yêu cao dần
trong dân chúng. Ông mất đi, tinh anh kết tụ, núi sông bảo bọc, mỗi khi đêm
thanh trời tối, trên mộ ông vang tiếng ngựa hý quân reo mọi người đều kính trọng
và tránh xa ông, gọi đền là miến Ông, gọi mộ là lăng Ông, dựng tượng ông để thờ
mãi mãi.
Xưa nay, bậc anh hùng hào kiệt, sinh
thời gặp lúc sấm chớp, mưa dông, đất trời mờ mịt, dốc lòng trí dũng, lập nên
công nghiệp, sống hưởng vinh thân, chết được vinh danh, ngay khi thời cuộc biến
đổi mà anh phong lẫm liệt còn hiển hiện, xưa nay mấy ai được như thế … (Phụ
chính Đại thần Hoàng Cao Khải soạn đề năm 1894).
Khu lăng mộ xây trên đồi cao, xung
quanh cây cối rậm rạp, có cả cây thốt nốt của vùng đất Tây Nam. Con đường xưa
tên gọi Lê Văn Duyệt giờ đã đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng nhưng hơn trăm năm
qua mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Giỗ ông vào dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 Âm lịch,
có hát bội và đãi cơm mặn khách thập phương.
Nhìn lăng Ông mà ngẫm tới lăng của
người soạn bia năm nào, quyền chức ngang nhau thậm chí ông Hoàng Cao Khải còn
được đánh giá là Phó vương, uy quyền lừng lẫy nhưng chắc cũng do lòng người nên
lăng mộ ông ở Đống Đa giờ bị xâm chiếm, mồ mả nằm chung với chỗ sinh hoạt hàng
ngày lạnh lẽo không hương khói, nghĩ mà thấy buồn. Họ đều là những người vì dân
vì nước cả, có điều thời thế mà tạo ra những hướng đi để rồi số phận khác nhau
dẫn đến cách đánh giá nhìn nhận của hậu thế cũng khác nhau lắm.