Quả thực với góc nhìn đó, Sài Gòn thật đẹp, thật sự là
hòn ngọc Viễn Đông. Với những chiều lang thang dọc ngang phố xá, mình
chỉ bị thu hút bởi những công trình cũ kỹ của Sài gòn, chúng thật đẹp và
mình hình dung rằng nếu một thành phố nào còn nguyên vẹn thì hẳn là nơi
đáng sống và cũng đáng để chết tại đó
Thế là tàn một cuộc rượu với những nụ tình nhen lên từ lòng biệt nhãn
liên tài của anh D., một người anh xa xứ đồng cảm với đôi dòng tri ngộ
mà hạ cố thỉnh đặng cho nhau một chút thỏa lòng. Vui và say. Được gặp
lại anh bạn luật sư L. tài năng bộc trực, được biết thêm những người bạn
mới. Dọc đường về, Sài Gòn như bềnh bồng dưới chân mình.
Vẳng
đâu trong gió đưa đến lời ca "ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa, ai sầu
trong quán úa, bóng mẹ hiền mờ mờ bên song, mắt người tình một trời mênh
mông, gợi bao nhiêu cho cùng ..." mà rõ ràng giọng Nguyên Khang chứ
không phải là Quang Dũng ca ... thật kỳ lạ. Chắc hoài niệm đang đùa cợt
với người say chứ đang giữa cầu ông Lãnh làm gì có quán xá nào mà đòi có
nhạc.
Nghe nhạc mà nhớ đến người, rồi lại miên man cho thần trí đi hoang.
Sau gần 2 năm xa Sài Gòn, khi đang ở Mỹ, Trầm Tử Thiêng (1937-2000)
viết bài “Đêm nhớ về Sài Gòn”, ngày ấy mình mới lên 10 còn ông đã ở tuổi
50. Cái nỗi nhớ của một người gắn bó với Sài Gòn mấy chục năm, đi qua
bao thăng trầm chứng kiến cả phồn vinh giả tạo và hiện thực đổ nát, để
đến nỗi đêm đêm nhớ về Sài Gòn, thấy cả đường đi đường về, thấy cả bạn
bè còn ngồi bên nhau. Một nỗi nhớ màu blue nhẹ nhàng, dung dị, không hề
có sự trách cứ mà chỉ là sự thở than của một nỗi nhớ thuần khiết. Trong
góc nhìn của một cậu bé con mồ côi (trong bài hát), cậu nhắc đến mẹ, đến
thành phố này với không gian đèn vàng, thanh âm nhạc vàng, và nhắc đến
cả một cô em nào đấy. Chỉ xa có hai năm mà nhớ đến ngần ấy, hẳn cái tình
ấy lớn lắm.
Mình vào Sài Gòn cũng được gần 2 năm mà chưa mơ về
Hà Nội lần nào, chắc cũng có lý do nào đó. Nhưng thực sự mình hay nhớ về
Hà Nội, nơi mình sinh ra và lớn lên, nỗi nhớ đó thường trực và sẵn sàng
bùng lên khi có xúc tác. Hà Nội trong nỗi nhớ của mình là Hà Nội thập
niên 80 khi phố phường còn vắng vẻ, người chưa đông, trẻ con còn đá bóng
dưới lòng đường, trên vỉa hè, còn dám lang thang cả ngày mà thấy an
toàn tuyệt đối, chỉ sợ duy nhất về nhà bị ăn đòn. Ở độ tuổi này, nỗi nhớ
ấy ngày càng sâu sắc và thậm chí, mình coi đó là báu vật chỉ mình và
bạn bè thủa ấy mới có vì, lũ hậu sinh sau này, chúng biết một Hà Nội
khác. Chúng sẽ yêu Hà Nội bằng một tình yêu khác và vì thế, nỗi nhớ cũng
sẽ khác. Có thể nói nỗi nhớ là riêng tư, không thể đồng hóa được, cũng
không thể đồng dạng được. Nhớ là nhớ, thế thôi, cũng như yêu, yêu là yêu
chứ đâu biết yêu vì cái gì, vì sao lại yêu người này mà không yêu người
kia? Yêu là phạm trù thuộc về vô thức. Như ông Xuân Diệu ngày xưa cũng
tự hỏi và tự trả lời:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu
Cũng vậy với Sài Gòn, mình là người đến sau. Trầm Tử Thiêng yêu Sài Gòn
trước 1975 với chậm rãi nhạc vàng trong từng quán café, với ướt đầm cỏ
cây khi mưa mùa xuống, với vàng vọt đèn khuya trên từng con phố, dìu
nhau về tay trong tay, để ấm sực mùi tình hoang hoải. Những thứ đó mình
không tài nào biết được. Nhưng mình cảm được qua âm nhạc của ông. Phần
nào đó mình tưởng tượng và thấy Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng ẩn hiện ở một
góc phố nào của Hà Nội, của Đà Lạt, của Paris, của Tunis, của Rabat,
của Cairo, của Alger … những nơi mình đã đi qua là những thành phố có
dấu ấn của người Pháp, giống như Sài Gòn vốn là thủ phủ của Nam Kỳ thuộc
Pháp, nơi duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam được người Pháp cai trị với
luật lệ riêng. Quả thực với góc nhìn đó, Sài Gòn thật đẹp, thật sự là
hòn ngọc Viễn Đông. Với những chiều lang thang dọc ngang phố xá, mình
chỉ bị thu hút bởi những công trình cũ kỹ của Sài gòn, chúng thật đẹp và
mình hình dung rằng nếu một thành phố nào còn nguyên vẹn thì hẳn là nơi
đáng sống và cũng đáng để chết tại đó. Tiếc rằng những nét đẹp đó không
còn nhiều, đành phải tìm kiếm trong sách vở, âm nhạc và sự hoài cổ tận
tâm thôi.
Và đêm đêm khi lần giở các trang sách đọc những tản văn
gan ruột của những người yêu Sài Gòn, mình cũng tự dựng xây và tô điểm
một Sài Gòn của riêng mình, tiếc thay cái tưởng tượng đó khác xa nhiều
so với cái hiện thực. Ngày xưa phim Hàn sến lắm, có câu mình nhớ mãi khi
một cậu tán một cô: Anh nhớ em ngay cả khi bên em! Mình cũng có suy
nghĩ đó khi nghĩ về Sài Gòn. Thật vậy, mình nhớ Sài Gòn ngay cả khi đang
ở Sài Gòn. Nghe chừng như kỳ cục mà lại là sự thật. Mọi thứ qua là qua,
mất mát đó mới gọi là đáng tiếc. Mình hiểu tâm trạng của những người
lưu dân xa xứ vì sao cứ thắt ruột thắt gan khi gặp những hình ảnh gợi
lên nỗi nhớ quê nhà. Họ nằng nặc đòi về bằng được nhưng về rồi thì lại
“vội vã ra đi”. Đó thực sự là một bi kịch. Vậy nên chăng hãy cố giữ lại
những gì đang còn để ít nhiều còn lại một sợi dây nối liền quá khứ với
tương lai, để không ai phải lạc lõng giữa quê cha đất mẹ.
Sài Gòn 03/4/2019