Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa

Bài mới đăng

văn chương

Thơ

Tả pí lù

Ảnh

Recent Posts

  • ĐÊM NHỚ VỀ SÀI GÒN

    By Kẻ lang thang → Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019
    Quả thực với góc nhìn đó, Sài Gòn thật đẹp, thật sự là hòn ngọc Viễn Đông. Với những chiều lang thang dọc ngang phố xá, mình chỉ bị thu hút bởi những công trình cũ kỹ của Sài gòn, chúng thật đẹp và mình hình dung rằng nếu một thành phố nào còn nguyên vẹn thì hẳn là nơi đáng sống và cũng đáng để chết tại đó
  • Nhà thờ La Mã Giồng Trôm

    By Kẻ lang thang → Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

    Nhà thờ La Mã ở Giồng Trôm lại mang đến một cảm xúc khác. Có lẽ nơi đây còn hơn cả một chốn tu hành mà là một ngôi nhà chung của Đức Chúa Trời dành cho loài người, cả đám con chiên lẫn lũ vô đạo thập thành liên tục ghé thăm. Dù mới sửa lại năm 2016 nhưng nhà thờ vẫn lưu giữ được nét cổ kính và thẩm mỹ qua kiến trúc tân cổ điển thế kỷ 18, những bức tranh thánh treo dọc hai bên phòng hành lễ và mái ngói đỏ tường quét vôi vàng hệt như những nhà thờ mà tôi đã thấy ở Firenze. Phía sau nhà thờ là khu vệ sinh lớn sạch sẽ có cả 2 vòi nước tiệt trùng để cho mọi người uống. Ánh nắng chiều hắt lên nhà thờ tạo bóng đổ loang giữa nền trời xanh ngắt là một sự hiếm có mà không phải lúc nào cũng gặp được. Tôi sững sờ bấm máy mà không thốt nên lời trước vẻ đẹp do cả Chúa Trời và loài người cùng chung sức tạo nên.
    (Trích Miền Tây du ký)
  • Lăng Ông Bà Chiểu

    By Kẻ lang thang → Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

    Cổng chính đề 3 chữ ''Thượng Công Miếu"

    Thăm lăng Ông Bà Chiểu. Cái tên thực rất dễ gây nhầm lẫn nếu không tách ra là Lăng Ông (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) ở vùng đất Bà Chiểu (cạnh chợ Bà Chiểu), mà dân chúng quen gọi ngắn gọn như vậy. Thôi cũng không sao.
    Ông tên chữ là Văn Duyệt, tổ tiên người Quảng Nghĩa dời vào ở Định Tường, năm 17 tuổi bỗng nhiên có chí trận mạc để lưu danh sử sách, theo Thế Tổ Cao hoàng đế ta ở Gia Định, chiến công cực kỳ to lớn. Sau khi đại định, được phong tước chịu mệnh vua giữ đất an dân, cầm lệnh tiết, việc xử trí việc lớn với các nước Xiêm La, Chân Lạp, kinh lược hai xứ Nghệ An, Thanh Hóa, hai lần bình định bọn man mọi tàn ác, một lần tận diệt bọn sư tăng hung dữ, những nơi ông đến không nơi nào là không quy phục, trước sau ông hai lần làm Tổng trấn Thành Gia Định gần 20 năm nên đã để lại niềm kính yêu cao dần trong dân chúng. Ông mất đi, tinh anh kết tụ, núi sông bảo bọc, mỗi khi đêm thanh trời tối, trên mộ ông vang tiếng ngựa hý quân reo mọi người đều kính trọng và tránh xa ông, gọi đền là miến Ông, gọi mộ là lăng Ông, dựng tượng ông để thờ mãi mãi.
    Xưa nay, bậc anh hùng hào kiệt, sinh thời gặp lúc sấm chớp, mưa dông, đất trời mờ mịt, dốc lòng trí dũng, lập nên công nghiệp, sống hưởng vinh thân, chết được vinh danh, ngay khi thời cuộc biến đổi mà anh phong lẫm liệt còn hiển hiện, xưa nay mấy ai được như thế … (Phụ chính Đại thần Hoàng Cao Khải soạn đề năm 1894).
    Khu lăng mộ xây trên đồi cao, xung quanh cây cối rậm rạp, có cả cây thốt nốt của vùng đất Tây Nam. Con đường xưa tên gọi Lê Văn Duyệt giờ đã đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng nhưng hơn trăm năm qua mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Giỗ ông vào dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 Âm lịch, có hát bội và đãi cơm mặn khách thập phương.
    Nhìn lăng Ông mà ngẫm tới lăng của người soạn bia năm nào, quyền chức ngang nhau thậm chí ông Hoàng Cao Khải còn được đánh giá là Phó vương, uy quyền lừng lẫy nhưng chắc cũng do lòng người nên lăng mộ ông ở Đống Đa giờ bị xâm chiếm, mồ mả nằm chung với chỗ sinh hoạt hàng ngày lạnh lẽo không hương khói, nghĩ mà thấy buồn. Họ đều là những người vì dân vì nước cả, có điều thời thế mà tạo ra những hướng đi để rồi số phận khác nhau dẫn đến cách đánh giá nhìn nhận của hậu thế cũng khác nhau lắm.
  • Đầm Lập An

    By Kẻ lang thang → Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

    Nằm dưới chân đèo Hải Vân phía Lăng Cô là đầm Lập An, thủ phủ của hàu sữa và các loại thủy sản nổi tiếng như vẹm xanh, sò điệp, ốc nón ... Nếu chỉ chạy theo đường quốc lộ số 1 ngắm vài resort chiếm lĩnh mặt tiền phía biển, mua chục chai dầu tràm, thăm cảng thì đơn điệu và lãng phí. Hãy đi một vòng quanh đầm Lập An để khám phá một thế giới đầy màu sắc tựa như một thiên đường cho những kẻ lang thang.

     Nhà ngư dân 

    Con suối cạn và đàn vịt

    Công cụ nuôi hàu sữa (lốp xe)

    Đỉnh núi đá đen

    Đường ven đập

    Đồi tràm

  • Đà Lạt trong lòng người xa xứ

    By Kẻ lang thang → Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

    Đà Lạt xưa kia giống như một thiếu nữ tuổi xuân thì, dáng đài các, đã từng làm xiêu lòng biết bao nhiêu là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và cả nhiếp ảnh gia nữa… Thật quyến rũ. Thật đắm say. Đà Lạt là cả một thiên đường của kỷ niệm, của hạnh phúc. Biết bao nhiêu người đã dàn trải nỗi lòng nhung nhớ về thành phố này thành những dòng hồi ký, những lời tình tự, những vần thơ lai láng, những âm thanh, điệu nhạc thánh thót, trữ tình hay những bức tranh vẽ, những tấm ảnh chụp rất nghệ thuật… Mỗi người một vẻ… Quả thật Đà Lạt mãi mãi in đậm nét trong lòng người, nhất là những người đang sống một cuộc đời xa xứ.


    Một bài viết năm 1959 đã nói: “Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin thẫm nâu, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành. Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.” (Khánh Giang)

    Sau 1975 có người cũng từng giãi bày tâm sự: “Cái thành phố đó nếu bạn đến một lần là sẽ nhớ mãi. Ðến rồi không muốn rời đi. Ði rồi lại muốn trở lại. Nhưng đó là Ðà Lạt của 40 năm về trước, một Ðà Lạt hiền lành như ngô khoai, trong sạch đẹp đẽ thơm như hoa hồng nhung, ngọt ngào như chuối La Ba và thủy chung như những hàng thông.” (Khánh Ly)

    Thương nhớ Đà Lạt vô vàn nhưng có người đã phải u buồn mà kết luận: “Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối mà con người có thể mưu cầu được cho mình, phải chăng với người dân Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt ngày xưa đã là một thiên đường đánh mất?” (Vi Khuê) 

    Chắc không hẵn vậy phải không các bạn, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ sự thanh khiết của vùng đất này.

    Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ, dàn trải cả trên đồi cao lẫn dưới lũng thấp. Chập chùng giữa núi xanh rừng thẳm. Lững lờ trên mặt suối trong hồ lặng. Cuồn cuộn theo thác gieo nước bạc. Thấp thoáng trong mưa giăng sương phủ. E ấp phủ khắp hoa đồng cỏ nội… Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống ở đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong một thời gian ngắn sẽ cảm nhận được rằng Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương sâu đậm và thiết tha… Tình với Đà Lạt Dấu Yêu bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bàu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời…

    Nỗi nhớ khôn nguôi, kể sao cho hết. Chất chồng biết bao kỷ niệm thân thương. Càng xa Đà Lạt lâu thời nỗi nhớ nhung lại càng đậm đà… Hết nhớ người, nhớ cảnh lại nhớ đến tình… Tình với Đà Lạt mãi mãi chung thủy. Luôn luôn trọn vẹn. Hòa nhập cùng với tình người, tình thiên nhiên vạn vật, tình quê hương đất nước... Dù cho “vật đổi” nhưng lòng người chẳng dời thay! Dù biết rằng Đà Lạt chỉ như một “quán trọ” ta tạm dừng chân trong dòng đời! Mà nghĩ cho cùng thời có lẽ cả cõi trần gian này cũng chỉ là một “quán trọ” trong vòng sinh tử luân hồi đấy mà thôi! Nhưng dễ ai mà đã “thoát tục” để xả đi mọi tình cảm, quên được những dấu ấn sâu đậm Đà Lạt xưa đã ghi khắc trong lòng người!

    Đà Lạt ơi! Dù ta không còn được sống trên mảnh đất Đà Lạt chăng nữa nhưng có một điều chắc chắn là Đà Lạt mãi mãi vẫn còn sống trong ta, trong trái tim bao người xa xứ!
  • Cái giọng Sài Gòn

    By Kẻ lang thang →
    Giọng Sài Gòn cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định… Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất… 

    Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. 

    Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế… Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào… mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa; không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt; giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. 

    Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ. Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng… Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu: “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười: “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói: “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên: “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái… 

    Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con?” – “Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc?” – “Dạ, con mới!”… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ… dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẵng hay. 

    Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “hổm nay”… người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó đẹp ghê” nghĩa là khen cô bé đó lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà. 

    Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó đẹp lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thúy, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thúy, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi. Giọng nói người Sài Gòn không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. 

    Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương… Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó: “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ: “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như: “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” 

    Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen”, “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. 

    Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu: “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi: “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong: “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “Cho” ở đây là mua đó nghen. 

    Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này: “Lấy cái tay ra coi!”; “Ngon làm thử coi!”; “Cho miếng coi!”; “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi: “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói: “Sao kỳ dzậy ta?”; “Sao rồi ta?”; “Được hông ta?”… Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà… hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà. 

    Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!” 

    (Hải Phan)
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 8)

    By Kẻ lang thang → Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019
    Những người Việt tại Algeria 

    Ở đất nước này ngoài anh em dầu khí ra còn có nhiều người mang quốc tịch Việt Nam, dù ít dù nhiều cũng có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dầu khí, nhất là vấn đề tinh thần. Và phải thú thực rằng, những ảnh hưởng đó hoàn toàn là tích cực nếu không nói rằng, thiếu vắng họ, không biết người dầu khí sẽ ra sao? 

    Cộng đồng người Việt Nam ở Algeria có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là thân nhân các gia đình có mẹ là người Việt sang Algeria từ sau năm 1954 (lấy chồng là lính Algeria tham chiến tại Điện Biên Phủ), nhóm thứ hai là các chuyên gia sang hỗ trợ Chính phủ Algeria trong giai đoạn 80-90 của thế kỷ trước và ở lại đây (cho đến khi nội chiến xảy ra thì hoạt động hỗ trợ này mới chấm dứt), nhóm thứ ba là các thành viên và gia đình thuộc khối các cơ quan ngoại giao Việt Nam thường trú tại Algeria. Sau này khi hoạt động xúc tiến thương mại nhiều lên thì có thêm nhóm thứ tư gồm các doanh nghiệp sang làm ăn tại Algeria. 

    Khi dự án bắt đầu triển khai hoạt động, địa điểm văn phòng chưa có, nơi đặt đại bản doanh đầu tiên là ở Đại sứ quán với diện tích rất khiêm tốn, các giường hầu như phải kê sát nhau, sinh hoạt đi chợ nấu ăn rửa bát tự phân công nhau thực hiện. Đó cũng là chuyện bình thường khi ra nước ngoài làm ăn của các doanh nghiệp vì chỗ dựa đầu tiên và an toàn nhất chính là Đại sứ quán Việt Nam. Những vị đại sứ thế hệ đó như đại sứ Huệ, đại sứ Dư, đại sứ Cương đã hết sức giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người dầu khí làm tốt công việc của mình, khách quan vô tư vì bản thân các anh cũng hiểu đây không phải chuyện “chơi” như một đoàn khách thăm quan học tập kinh nghiệm hay tham gia hội chợ mà đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được đích thân lãnh đạo Tập đoàn thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trước lúc lên đường. 

    Không chỉ giúp về chỗ ăn chỗ ở, bằng quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán đã có những hỗ trợ nhất định cho dự án ở những thời điểm khó khăn, cần những tác động cấp cao từ chính phủ hai nước. Những dịp các đoàn công tác sang là những lúc anh em dầu khí lại được sát cánh bên Đại sứ quán để cùng chuẩn bị đón tiếp, không ít lần Đại sứ quán đã kết hợp tổ chức đưa lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm văn phòng PVEP Algeria, đó thực sự là những kỷ niệm đáng tự hào, không thể nào quên. 

    Tranh cây ô liu của Van Gogh

    Những dịp Quốc khánh hay Tết Nguyên đán, dự án luôn có những anh em phải ở lại trực. Dù chỉ dăm ba ngày thôi và cũng còn bộn bề ngổn ngang công việc nhưng sau tất cả những ồn ào của máy móc thì khi trở về phòng, nhìn bếp ăn vắng vẻ, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt. Đó không chỉ là những nỗi nhớ quê hương gia đình và bạn bè trong ngày xuân sum họp, đó còn là sự chịu đựng hoàn cảnh và chút tủi hờn của những đứa trẻ trong hình hài những gã đàn ông. 

    Những lúc ấy chúng tôi luôn được quan tâm bởi những người Việt Nam trong cộng đồng, họ đã ở bên cạnh động viên, thăm hỏi, tổ chức các buổi giao lưu để khỏa lấp đi những nỗi niềm của chúng tôi và cũng là nỗi niềm của chính họ nữa. Có những thời điểm, tất cả chúng ta như hòa làm một chỉ để nghe dòng máu Việt chảy rần rật trong người mình, đó là lúc hát quốc ca và những lúc lặng im đứng trước khói hương bàn thờ Bác. Sau đó là những niềm vui và sự chia sẻ. Mùng một Đại sứ quán, mùng hai Quân vụ, mùng ba Dầu khí, mùng bốn Thông tấn xã, mùng năm Thương vụ, … cứ như thế chúng tôi đi cùng nhau vượt qua những ngày dài, chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh để cùng nhau thưởng thức những cái Tết tha hương. 

    Không thể nào không nhắc đến những người đã rất gắn bó với anh em dầu khí để chia sẻ về mặt tinh thần và có những hỗ trợ về mặt nghiệp vụ để kịp thời thông tin về dự án, giải quyết được những vấn đề có liên quan. Ở Đại sứ quán là các bác Huệ, bác Dư, bác Cương , bác Chứ, bác Hảo, bác Dũng, anh Thắng, anh Khuê, anh Dũng …, ở Quân vụ là chú Hòa cô Tuất, anh Bình chị Hương và cháu Lam, anh Thuận, anh Thắng chị Bình và các cháu Bo Nhím, … ở Thông tấn xã là chị Nga anh Cường, anh Tuyên, anh Chiến chị Trúc, vợ chồng Trí Quyên và các cháu Ali Alino, ở Thương vụ là các anh Cần, anh Mùi, ở Schlumberger có anh Vũ Thanh Phong (một phần vì công việc liên quan), ở Miliana có anh Hùng bác sĩ … 

    Khó mà kể hết những kỷ niệm và hoạt động đã có trong cộng đồng giai đoạn 2006-2010 nhưng đa phần chúng đều được lưu giữ trong những bộ nhớ để sau này mỗi khi gặp lại, những lúc hàn huyên chúng thường được gợi lên để mọi người cùng nhớ lại về một thời dĩ vãng vẫn còn xanh. 

    (còn tiếp)