Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 8)

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019
    A- A+
    Những người Việt tại Algeria 

    Ở đất nước này ngoài anh em dầu khí ra còn có nhiều người mang quốc tịch Việt Nam, dù ít dù nhiều cũng có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dầu khí, nhất là vấn đề tinh thần. Và phải thú thực rằng, những ảnh hưởng đó hoàn toàn là tích cực nếu không nói rằng, thiếu vắng họ, không biết người dầu khí sẽ ra sao? 

    Cộng đồng người Việt Nam ở Algeria có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là thân nhân các gia đình có mẹ là người Việt sang Algeria từ sau năm 1954 (lấy chồng là lính Algeria tham chiến tại Điện Biên Phủ), nhóm thứ hai là các chuyên gia sang hỗ trợ Chính phủ Algeria trong giai đoạn 80-90 của thế kỷ trước và ở lại đây (cho đến khi nội chiến xảy ra thì hoạt động hỗ trợ này mới chấm dứt), nhóm thứ ba là các thành viên và gia đình thuộc khối các cơ quan ngoại giao Việt Nam thường trú tại Algeria. Sau này khi hoạt động xúc tiến thương mại nhiều lên thì có thêm nhóm thứ tư gồm các doanh nghiệp sang làm ăn tại Algeria. 

    Khi dự án bắt đầu triển khai hoạt động, địa điểm văn phòng chưa có, nơi đặt đại bản doanh đầu tiên là ở Đại sứ quán với diện tích rất khiêm tốn, các giường hầu như phải kê sát nhau, sinh hoạt đi chợ nấu ăn rửa bát tự phân công nhau thực hiện. Đó cũng là chuyện bình thường khi ra nước ngoài làm ăn của các doanh nghiệp vì chỗ dựa đầu tiên và an toàn nhất chính là Đại sứ quán Việt Nam. Những vị đại sứ thế hệ đó như đại sứ Huệ, đại sứ Dư, đại sứ Cương đã hết sức giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người dầu khí làm tốt công việc của mình, khách quan vô tư vì bản thân các anh cũng hiểu đây không phải chuyện “chơi” như một đoàn khách thăm quan học tập kinh nghiệm hay tham gia hội chợ mà đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được đích thân lãnh đạo Tập đoàn thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trước lúc lên đường. 

    Không chỉ giúp về chỗ ăn chỗ ở, bằng quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán đã có những hỗ trợ nhất định cho dự án ở những thời điểm khó khăn, cần những tác động cấp cao từ chính phủ hai nước. Những dịp các đoàn công tác sang là những lúc anh em dầu khí lại được sát cánh bên Đại sứ quán để cùng chuẩn bị đón tiếp, không ít lần Đại sứ quán đã kết hợp tổ chức đưa lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm văn phòng PVEP Algeria, đó thực sự là những kỷ niệm đáng tự hào, không thể nào quên. 

    Tranh cây ô liu của Van Gogh

    Những dịp Quốc khánh hay Tết Nguyên đán, dự án luôn có những anh em phải ở lại trực. Dù chỉ dăm ba ngày thôi và cũng còn bộn bề ngổn ngang công việc nhưng sau tất cả những ồn ào của máy móc thì khi trở về phòng, nhìn bếp ăn vắng vẻ, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt. Đó không chỉ là những nỗi nhớ quê hương gia đình và bạn bè trong ngày xuân sum họp, đó còn là sự chịu đựng hoàn cảnh và chút tủi hờn của những đứa trẻ trong hình hài những gã đàn ông. 

    Những lúc ấy chúng tôi luôn được quan tâm bởi những người Việt Nam trong cộng đồng, họ đã ở bên cạnh động viên, thăm hỏi, tổ chức các buổi giao lưu để khỏa lấp đi những nỗi niềm của chúng tôi và cũng là nỗi niềm của chính họ nữa. Có những thời điểm, tất cả chúng ta như hòa làm một chỉ để nghe dòng máu Việt chảy rần rật trong người mình, đó là lúc hát quốc ca và những lúc lặng im đứng trước khói hương bàn thờ Bác. Sau đó là những niềm vui và sự chia sẻ. Mùng một Đại sứ quán, mùng hai Quân vụ, mùng ba Dầu khí, mùng bốn Thông tấn xã, mùng năm Thương vụ, … cứ như thế chúng tôi đi cùng nhau vượt qua những ngày dài, chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh để cùng nhau thưởng thức những cái Tết tha hương. 

    Không thể nào không nhắc đến những người đã rất gắn bó với anh em dầu khí để chia sẻ về mặt tinh thần và có những hỗ trợ về mặt nghiệp vụ để kịp thời thông tin về dự án, giải quyết được những vấn đề có liên quan. Ở Đại sứ quán là các bác Huệ, bác Dư, bác Cương , bác Chứ, bác Hảo, bác Dũng, anh Thắng, anh Khuê, anh Dũng …, ở Quân vụ là chú Hòa cô Tuất, anh Bình chị Hương và cháu Lam, anh Thuận, anh Thắng chị Bình và các cháu Bo Nhím, … ở Thông tấn xã là chị Nga anh Cường, anh Tuyên, anh Chiến chị Trúc, vợ chồng Trí Quyên và các cháu Ali Alino, ở Thương vụ là các anh Cần, anh Mùi, ở Schlumberger có anh Vũ Thanh Phong (một phần vì công việc liên quan), ở Miliana có anh Hùng bác sĩ … 

    Khó mà kể hết những kỷ niệm và hoạt động đã có trong cộng đồng giai đoạn 2006-2010 nhưng đa phần chúng đều được lưu giữ trong những bộ nhớ để sau này mỗi khi gặp lại, những lúc hàn huyên chúng thường được gợi lên để mọi người cùng nhớ lại về một thời dĩ vãng vẫn còn xanh. 

    (còn tiếp)

    Subjects: