Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Đi ra với biển

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019
    A- A+

    Ít ra ở thành phố phồn hoa nhất Việt Nam, chỉ hơn tiếng chạy xe bạn đã có đủ cảm giác được sống ở rừng, ở đảo, ở huyện đảo, ở biển và ở cả một thị tứ nghèo của miền Tây.

    Ngày Chủ nhật đến trong trạng thái dư thừa năng lượng, chân rục rịch đòi đi. Ừ, thì đi. Thế thì xuôi Nhà Bè xem chỗ nước chảy chia hai nó như thế nào? 


    Chạy honda chừng 20 phút qua cầu Phú Xuân với tổng kho xăng dầu Nhà Bè là đến bến phà Bình Khánh. Phà hoạt động dưới sự điều hành của công ty thanh niên xung phong áo xanh màu lá, có chừng 6 chiếc chạy luân phiên. Giá vé lượt đi 4 ngàn rưởi, cô bé bán vé còn cẩn thận gập gọn tiền 1 lượt về khi trả lại. Hai lượt chín ngàn, đưa tờ 10 ngàn được thối 4 ngàn rưởi kẹp riêng cùng tờ 1 ngàn đơn độc. 

    Lênh đênh trên phà ngắm nước sông Nhà Bè, chụp vài tấm hình tàu bè qua lại, loáng cái phà đã sang đến bên kia. Leo lên dốc cập vào đảo, cổng chào sừng sững đề tên "Huyện Cần Giờ kính chào quý khách". Lâu rồi mới có một hôm trời nắng như hôm nay, mà lại nắng to là đằng khác. Giờ đi chơi lại gần chính Ngọ. Áo cộc lại màu đen, bức xạ nhiệt lớn làm hai cánh tay dần ửng hồng lên. Kệ, ước mơ khám phá và giải phóng năng lượng đang tràn ngập nên cứ thế lao đi, thẳng tiến biển Cần Giờ. 


    Dọc đường hai bên có các quán bán nước dừa lấy từ quả dừa nước, cùi nhỏ trắng đục ăn sật sật cũng ngon, vị khá giống với quả thốt nốt. Giá bán trung bình 15-20 nghìn/cốc. Đường có nhiều đoạn khá xấu chắc do không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, mới năm ngoái chạy sang còn ngon lành mà năm nay xóc quá, nhiều đoạn sỏi bung hết lên xe chạy qua làm bụi bay mù mịt. Các đoạn khác thì vá chằng đụp như manh áo nông dân thời phong kiến. Qua hết rừng dừa nước là đến rừng đước. Cơ man nào là đước, loài cây đặc dụng làm chúa tể ở miền bùn lầy ngập mặn Cần Giờ. Chạy xe ngó vào chỉ thấy cây mọc san sát, tối om, rễ cây trồi lên mặt đất đẩy thân cây chừng như cao lên. Lá xanh mướt đối lập với đám cỏ khô vàng úa hai bên đường. Thi thoảng trong lùm xanh chọt lên những bụi cỏ hồng hay những ngọn lau trắng phất phơ như trong cổ tích. 


    Đường vắng hoe, muốn chạy cùng mấy bạn sinh viên cho vui xong một lúc lại thấy có mỗi mình. Cần Giờ có nhiều cầu xây chắc chắn, tương lai sẽ phải có cây cầu quan trọng để kết nối với Sài Gòn chứ nếu cứ cách trở đò giang thế này thì Cần Giờ sẽ không thể phát triển được. Về Cần Thạnh hay Long Hòa thấy như đang ở một huyện lị nào của miền Tây, chất quê mùa lam lũ lên men với mùi tanh của cá, vị mặn của biển đã khiến đầu óc như trở về với 30 năm trước, khi chạm những tiểu khu sát biển như các thị xã Đồ Sơn hay Sầm Sơn ở ngoài Bắc. Cũng là con đường nhỏ rợp bóng phi lao, cát liên miên chạy theo gió, biển lăn tăn rì rào, nhưng nhất vẫn là cái "mùi biển" không lẫn được. Nó vẫn ở đó từ ngàn đời để đợi chờ bàn chân kẻ lãng du. 


    Có tới 2 cây xăng ở Cần Thạnh, thị trấn trung tâm sở hữu biển Cần Giờ và về địa lý gần với Bà Rịa Vũng Tàu nhất. Nhìn qua lớp sóng thấy rõ mồn một núi Lớn với núi Nhỏ phía bên kia. Chim hải âu rập rờn trên sóng, phía kè đá xếp ngăn dòng thấp thoáng bóng người, chắc họ ra đó ngắm sóng tiện thể làm kiểu ảnh check-in. Mình thì khác. Kiểu gì cũng phải đi một vòng. 

    Đây là nghĩa trang liệt sỹ Rừng Sác, đây là tượng đài chiến công, đây là chợ, đây là chùa, đây là nhà thờ của hội Thánh Tin lành ở ngay con đường bên hông chợ. Phật giáo chừng thắng thế nên quy mô lớn hơn nhiều, có cả tăng viện ở ngay con lộ chính nhìn ra công viên biển. Tiện thể vào quán bên đường làm dĩa cơm tấm sườn. Ăn uống chưa bao giờ là nỗi bận tâm của những kẻ thích lang thang. 


    Rồi ra biển, ngắm biển và cứ ngồi mãi trên cái ghế đá góc công viên, miên man nhớ về biển trong hoài niệm, những biển của cơ quan mẹ, biển của cơ quan bố, biển của bạn bè, biển của tình yêu, biển của những chuyến đi hay biển của một thời lang bạt xứ người. Dù thế nào thì biển vẫn là biển, không phân biệt đại dương nơi nó thuộc về vì cái cảm giác bé nhỏ vẫn hiện lên khi đứng trước biển. Có người vĩ đại của những người vĩ đại đã từng nói: "Tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả". Nói thế để thấy đại dương lớn rộng thẳm sâu đến mức độ nào.


    Chừng vài chục phút trước biển đổi bằng đôi tay bỏng rát và hơn trăm cây số hành trình, quá xứng đáng. Ít ra ở thành phố phồn hoa nhất Việt Nam, chỉ hơn tiếng chạy xe bạn đã có đủ cảm giác được sống ở rừng, ở đảo, ở huyện đảo, ở biển và ở cả một thị tứ nghèo của miền Tây. 

    Phát hiện ra điều này cũng sướng như Cô-lôm-bô phát hiện ra châu Mỹ vậy. 

    Nhưng, quan trọng nhất là đã được nhìn thấy biển trong một ngày thừa thãi những nhớ thương. 

    13/01/2019

    Subjects: