Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 5)

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    A- A+
    ĐẤT VÀ NGƯỜI

    Cuộc sống những năm 2005-2008 thực sự là rất khó khăn nhưng anh em lại rất đoàn kết.

    Chính sự đoàn kết đó đã trở thành thương hiệu của dự án dù rằng mọi thứ từ 2009 trở đi thuận lợi hơn nhiều. Sau giai đoạn 2011, tôi không còn có nhiều thông tin về dự án nhưng vẫn có niềm tin rằng mọi sự vẫn sẽ hanh thông trên cơ sở nền móng đã vạch ra từ gần chục năm về trước.

    Cũng phải nói một chút về cá nhân khi đối mặt với khó khăn từ những năm 2006 kia, thời điểm sau khi hết nhiệm vụ ở hỗ trợ chiến dịch khoan lô 103-107 tại Đà Nẵng thì về Hà Nội nhận quyết định lên đường thời hạn biệt phái 3 năm với mức lương 630USD/tháng. Khi nhìn tôi cầm tờ quyết định, anh Quý Trưởng phòng Dịch vụ Hậu cần nói một câu: Sướng nhé Sơn, giờ toàn được tiêu tiền đô. Mặc dù là Trưởng phòng nhưng anh cũng chỉ biết trước tôi có một thời gian ngắn, sau khi quyết định đã ban hành.

    Mặc dù thế nào đi chăng nữa, không bao giờ tôi ân hận khi chấp nhận thử thách này. Một thử thách mà tôi cho rằng để làm được nó, mình phải quyết tâm. Tháng 9/2006, trước khi lên đường khoảng 2 tuần, tôi nói với vợ: Nghỉ lễ này mình đi Sapa, để con lại cho ông bà. Chúng mình sẽ leo đỉnh Phansipan! Vợ tôi tròn xoe mắt, có lẽ vì háo hức là chính nên đồng ý với tôi. Sau chuyến đi thành công với 3 đêm ngủ rừng và đi dọc hàng chục km trên dãy Hoàng Liên, tôi tin mình sẽ làm được. Những nỗ lực cao nhất của chúng tôi khi lê những bước cuối lên đỉnh rồi vợ tôi òa khóc, đã nói lên tất cả. Chắc nhiều người không nghĩ như tôi, họ cho rằng đi là cơ hội. Đúng, nhưng thời điểm đó tôi không biết nhiều về điều đó. Tôi chỉ nghĩ rằng, đó là nhiệm vụ và ta phải lên đường. Trong đầu chỉ nung nấu làm sao hoàn thành được nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình.

    Ngày tôi đi con gái tôi mới 4 tuổi, khi về cháu đã học lớp 4. May mắn làm sao tôi đã làm được, ít nhiều không hổ thẹn với lương tâm của bản thân mình. Sau nữa, vượt mọi khó khăn, tôi đã may mắn có được những người bạn đồng cam cộng khổ, thân thiết đến tận bây giờ. Đó là các anh Nguyễn Quang Hùng, Trần Xuân Thanh, Đỗ Anh Tuấn , Võ Chí Trung , Trần Văn Đình và nhiều anh em khác nữa.

    Với tôi, họ thực sự là những chiến binh.

    Một điều kỳ diệu là ở dự án Algeria, tôi đã được chứng kiến lễ cưới của một thành viên dự án với em gái mình, đó là Nguyễn Thanh Hải lúc đó đang là kỹ sư phòng Phát triển (2007). Trong gia đình những khi sum họp, có lúc tôi cũng nhắc chuyện Algeria và anh em đều lấy làm vui vẻ, tự hào vì một thời gian khó đã có nhau. Nhìn gia đình các em hiện nay, tôi thấy rất hạnh phúc.

    Những năm tháng ở dự án là những năm tháng có nhiều ý nghĩa. Chúng tôi được làm quen với nhiều điều mới mẻ, cả trong cuộc sống và công việc. Môi trường làm việc khi đó rất chuẩn mực, bản thân việc lựa chọn cán bộ biệt phái đi làm nhiệm vụ cũng rất kỹ, trực tiếp do anh Nguyễn Quốc Thập lựa chọn. Trong căn biệt thự cũ kỹ mang tên Paradou, văn phòng của PIDC Alger được phân bố thành các phòng: Tổ chức Hành chính, Thương mại, Tài chính Kế toán, Thi công, sau có thêm phòng HSE. Ngoài ra có 2 phòng riêng cho Giám đốc và Phó Giám đốc. Riêng tầng 2 có một phòng làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ sang công tác (trước đó là phòng anh Thập ở). Phòng họp được làm trên bể bơi. Ngay bên dưới là phòng Thăm dò. Đằng sau là vườn và bếp ăn, nơi cai quản của anh Vĩnh.

    Ông anh vốn là thợ xây sang lao động, sau được anh em dầu khí mời về làm bếp, người Bắc Giang, tính tình ít nói, chăm chỉ, anh em rất quý. Anh có tài đánh tiết canh vịt và vỗ béo cho gà. Cứ hàng tuần anh đi chợ, mua vài chục con gà rồi thả trong vườn, thỉnh thoảng lại túm mấy con làm thịt. Trước khi cắt tiết, anh cứ lầm rầm khấn vái. Ai hỏi anh cũng không nói. Có lần nhỡ mồm, tôi hỏi khi thấy anh bần thần đứng trông ra ngoài sân, dưới chân vẫn còn vài đống lông gà vương vãi. Có chuyện gì thế anh?

    Anh nhìn tôi mắt đượm buồn rồi nói: Anh cắt tiết dễ đến cả nghìn con rồi, thế này chắc MA GÀ nó oán anh lắm. Tục lệ quê hương chắc có sự tích ma gà nên anh động lòng trắc ẩn hay sao. Mặc dù thế, với loài gia cầm được sát sinh cũng là xong một kiếp, bước sang kiếp khác để luân hồi, các cụ dạy rồi, cái giống lục súc thì không phải lăn tăn. Tôi nói rồi anh cũng yên tâm hơn, tiếp tục chí thú vào cái sự nghiệp « Anh Nuôi », trình cắt tiết ngày càng thành thục.

    Sau này anh về Việt Nam, mua một cái tàu hút cát ra sông Cầu làm nghề « sa tặc », có của ăn của để mà lại thanh cảnh, thưởng thức gió trăng lồng lộng suốt đêm ngày. Có một lần tôi cùng anh Tuấn Hà Đông đi thăm anh, mấy anh em ra chòi sát sông ngồi uống rượu với mực khô, hàn huyên chuyện xưa đến chiều muộn mới đứng lên đi được.

    Thời kỳ đầu khi mới bước vào dự án, tôi được phân công làm ở phòng Thi công, trực tiếp làm việc với anh Nguyễn Quốc Hưng. Chàng trai da trắng môi đỏ ấy rất thông minh, nhanh nhẹn. Sau khi giao việc cho tôi theo dõi hợp đồng vận chuyển và làm thủ tục hải quan các lô hàng phục vụ cho chiến dịch khoan, Hưng đã trực tiếp theo dõi và hỗ trợ tôi nhiều trong công việc.

    Trong 3 tháng làm việc ở phòng Thi công, tôi được làm quen với các anh Trần Thanh Long , Phạm Sĩ Phúc, Ngô Thế Dương, Lê Hồng Quang, Đặng Quốc Hùng, Lương Hùng Việt, Trần Tuấn Anh và một cô bé thư ký tên là Kenza Mai (Mai có bà ngoại người Việt Nam). Dưới căn cứ hậu cần (supply base) lúc đó là anh Phí Phi Cường, Ngô Thế Hưng và Lương Tuấn Anh. Phụ trách civil works khi đó là Nguyễn Văn Dầu, Phạm Ngọc Hiến, sau có thêm Lã Mạnh Trường.

    Nhận việc hôm trước, hôm sau tôi được giao xuống cảng Skidda để kiểm tra lô hàng ống chống mới nhập về (tôi vẫn nhớ tên nhà cung cấp là Tennaris). Quốc Hưng nói: Anh lên phòng Hành chính gặp Mr Amar để làm thủ tục đi. Đó là một ngày cuối tháng 9 năm 2006. Từ chuyến đi này, tôi đã có một tình bạn chân thành và sâu sắc với một người đồng nghiệp Algeria, một người đã gắn bó với tôi cả trong công việc và đời sống nhiều năm về sau, đến tận khi Amar nằm xuống vì một chứng bệnh nan y. Amar Belkessa, cái tên ấy đã in hằn trong trí nhớ của tôi không phải chỉ đơn thuần vì giao tiếp gần gũi trong công việc.

    Ở người đàn ông này, tôi học được cả những bài học cuộc đời.

    Subjects: