Ngay ở lần đầu tiên ấy, khi mới gặp nhau, xuống sân bay sau khi check-in khách sạn Es Salam khá nổi tiếng ở thành phố cảng Skidda cổ kính, Amar đưa tôi đi vòng vòng thành phố, rồi đi ra phía biển.
Ở đó có một đoạn đường nhô ra phía mỏm đá sát biển, bên dưới sóng vỗ ầm ầm. Amar bảo chỗ này là đẹp nhất của Skidda. Cảnh quan lúc đó như một bức tranh siêu thực.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước này thông qua sự chân thành có phần thiện cảm từ người đồng nghiệp lớn tuổi Amar.
Thời gian cuối tháng 9/2006 lúc đó đang là dịp Ramadan , về khách sạn lúc gần 6h, trời đã gần tắt nắng. Phòng ăn ngập kín người. Họ trầm ngâm trước những chiếc bàn bày sẵn thức ăn. Lần đầu biết đến Ramadan và chứng kiến khung cảnh này, tôi cảm thấy hết sức thú vị. Cũng có chung một cảm giác mệt và đói như họ, nhưng ít ra tôi còn được ăn uống một chút, còn với những tín đồ của Thánh Allah, họ phải nhịn từ lúc mặt trời xuất hiện. Họ cứ ngồi thế, hầu như im lặng, chỉ có vài cuộc đối thoại khe khẽ đâu đây như kiềm chế năng lượng tiết ra ở mức thấp nhất. Khi tiếng cầu kinh vang lên vào khoảng hơn 6h (mỗi ngày một khác nhau, sẽ do thời điểm mặt trời lặn quyết định), họ bắt đầu làm dấu thánh rồi ăn. Lúc này, không gian trở nên ồn ào và sôi động, nhưng vẫn rất ít tiếng nói. Hầu như chỉ có tiếng leng keng của dao dĩa chạm vào bát đĩa, tiếng rót nước, tiếng nhai, tiếng giày dép phục vụ di chuyển, có cả tiếng ho hắng của một vài người già. Tôi nhìn Amar, người đàn ông này vẫn vô cùng từ tốn, bẻ bánh mỳ ăn chậm rãi, uống nước hoa quả và nhâm nhi một vài quả chà là (là thứ quả có nhiều đường rất phù hợp với việc cân bằng huyết áp sau một ngày chịu lễ Ramadan). Ở Amar toát lên một phong thái rất « quý ông » mà nếu chỉ nhìn vào công việc thì sẽ không ai biết được. Trước khi trở thành nhân viên hành chính của Dự án, Amar làm lái xe cho Đại sứ quán rồi lái xe cho Dự án, sau được anh Nguyễn Quang Hùng tin tưởng cất nhắc lên vị trí cao hơn. Công việc gắn liền nên mối quan hệ của chúng tôi rất tốt. Không chỉ đơn thuần là đồng nghiệp, Amar vừa như một người anh, một người bạn của tôi. Có những chuyện không cần phải nói mà đôi khi chỉ cần nhìn nhau là đủ hiểu. Gần 5 năm làm việc cùng nhau, chỉ có vài lần khi công việc cực kỳ căng thẳng, thậm chí bế tắc, tôi mới thấy Amar có chút thất vọng hay bực bội, còn hầu hết vẫn là tác phong nhanh nhẹn, bình thản trước cuộc đời. Chúng tôi thường đi uống bia sau giờ làm, thường uống Stella Artois của Bỉ, đôi khi hứng chí làm thêm loại 1884 hoặc một chai vang. Cầm điếu thuốc phì phèo qua làn khói, tôi thấy mái tóc xoăn của Amar như mềm mại hơn. Giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm không nói hết được, chỉ biết rằng sau này, hễ cứ nhìn thấy bao thuốc Gaullois ở đâu là tôi lại nhớ đến Amar, đó là nhãn hiệu mà « quý ông » này vô cùng ưa thích. Có một chuyện về Amar mà chắc nhiều anh em làm dự án không biết, đó là hoàn cảnh gia đình. Bố là liệt sĩ trong cuộc cách mạng giành độc lập, Amar lớn lên được cho đi du học ở Đức. Tại đó, cậu sinh viên người Algeria cao gầy mảnh khảnh đã được khám phá một đất nước mới và có tình yêu với một cô gái Đức. Không đến nỗi khó khăn như ở Việt Nam, nếu một sinh viên yêu người nước ngoài có thể bị đuổi học thì Amar vẫn học hành đàng hoàng, ra trường ở lại thêm một năm thì Amar phải về nước. Họ đã có với nhau một cô con gái. Nhiều năm sau, họ mất liên lạc. Khi cô gái lớn lên và hỏi mẹ về người cha của mình, người mẹ đã hướng mắt sang bên kia bờ Địa Trung Hải và kể về người cha mà cô chưa bao giờ nhìn thấy. Thế rồi họ đã tìm lại được nhau, lúc này Amar đã có gia đình với một người phụ nữ Béc-be hiền lành chất phác. Chỉ là qua những cánh thư nhưng tình cảm vẫn đong đầy nhung nhớ. Có lần, Amar giở ví lấy ra một tấm ảnh đưa cho tôi xem. Con gái tôi đấy! Anh nói và lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt của một thiếu nữ tóc màu hạt dẻ, trắng trẻo với nụ cười tươi tắn. Sau này, khi con gái lấy chồng, Amar cũng đã sang Đức để dự lễ cưới với tư cách một người cha. Hoàn cảnh gia đình không lấy gì làm dư dả nhưng ông đã cố gắng sống một cách đàng hoàng nhất có thể. Một lần khác, ông lại cho tôi xem một tấm ảnh một bé gái sơ sinh chụp bằng điện thoại, cô bé tròn trịa xinh xắn với mái tóc xù. Cháu ngoại anh phải không? Tôi hỏi. Không, là con gái của tôi, con gái út! Amar nhìn tôi đang rất ngạc nhiên rồi tâm sự: Thế đấy, đó là con gái nuôi của tôi. Hôm qua tôi đi vào bệnh viện thăm một người bạn, ở đó có một em bé bị bỏ rơi sau khi chào đời. Khi tôi ghé vào nhìn, nó nhìn tôi bằng một ánh mắt khác lạ. Và Mông-xi-ơ Sơn ạ, chính thời điểm đó, ánh mắt đó như một dấu hiệu mà Thánh Allah đã nhắc nhở tôi, thôi thúc tôi phải có trách nhiệm với đứa trẻ này. Tôi đã nói với vợ và chúng tôi nhận đứa bé này về nuôi. Nó sẽ là đứa con gái út trong gia đình chúng tôi. Tôi sững sờ trước câu chuyện. Sau đó thì sự xúc động dâng lên khi nhìn tấm hình và dáng ngồi trầm tư của người đàn ông hơn 50 tuổi trước mặt. Tôi thấy người đàn ông này có một tâm hồn thật cao cả. Một hoàn cảnh khó khăn đi làm nuôi cả nhà, một vợ và 5 đứa con đang tuổi đi học, thế mà dám nhận nuôi thêm một đứa trẻ mời chào đời với vô vàn những phức tạp nảy sinh. Thế rồi mọi chuyện cũng êm đẹp, thỉnh thoảng tôi được gặp cô bé khi đến nhà Amar chơi hoặc ông đưa đến văn phòng, chỉ thoáng chốc thôi nhưng cũng thấy đó là một sinh vật đẹp đẽ và vô cùng hạnh phúc. Sau này, khi có dịp, tôi thường nói vợ mua quà cho cô bé, thường là quần áo và luôn phải hỏi Amar về kích thước để mua cho đúng size. Lần tặng quà cuối cùng là sau khi tôi về nước vài năm, nhờ anh Nguyễn Thanh Sơn sang công tác chuyển hộ. Lúc đó Amar cũng đã yếu nhiều, sau đó một thời gian thì ra đi vĩnh viễn. Amar sinh năm 1956, tính đến ngày mất 13/8/2014 tròn 58 tuổi. Hình ảnh của Amar trong mắt những anh em dự án qua các thời kỳ luôn là một nhân viên tận tụy, mẫn cán, hiểu biết sâu về công việc, con người, phong tục tập quán của Algeria. Trong mười năm gắn bó với dự án (từ PIDC Alger, PVEP Algeria cho đến GBRS) Amar đã có nhiều đóng góp cho thành công chung của dự án và được đồng nghiệp (đặc biệt là anh em Việt Nam) rất quý mến. Sau khi Amar mất chừng ít hôm, ngày 19/8/2014, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ký quyết định truy tặng Bằng khen cho Amar kèm theo một số tiền trích từ Quỹ khen thưởng Tập đoàn. Hành động này vô cùng có ý nghĩa, xuất phát ban đầu chính từ ý tưởng của anh Nguyễn Quốc Thập, người thuyền trưởng đầu tiên trên chiến trường Algeria, đồng thời là Chủ tịch Danh dự của Hội CCB Algeria, hiện thực hóa là anh Nguyễn Quang Hùng. Trước đó, Hội cũng đã tổ chức quyên góp chữa bệnh cho các đồng nghiệp của mình đang mắc chứng nan y (trong đó có Amar). Nghĩa tử là nghĩa tận, thái độ ấy, tinh thần ấy, hành động ấy đã nói lên tình nghĩa « trước sau như một » đáng quý của những người CCB Algeria.