Nắng của Nguyên Sa là nắng ở Sài Gòn nhưng dưới hình hài một thiếu nữ thanh tân, nàng mang trên mình một góc quê hương đã lùi xa vạn dặm, xứ Hà Đông.
Mộ nhà văn Nguyên Sa. (Ảnh: Internet) |
Đêm qua nằm mơ mình được ở Sài Gòn, lang thang bát phố. Tìm quán nhỏ ven đường làm đĩa càng ghẹ rang muối ớt, nhâm nhi mấy ly bia. Ông em kể chuyện gia đình, hồn nhiên thổ lộ.
Chợt thấy vấn vương bạn cũ, yêu và nhớ Sài Gòn, thôi thì làm mấy dòng cho đỡ nhớ vậy. Sài Gòn những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, sự lung linh còn nguyên vẹn trên những con đường rợp bóng cây xanh xen lẫn những căn biệt thự kiến trúc Pháp.
Thấp thoáng trong miên ảo đất trời phủ kín lá me là những tà áo dài tha thướt, những tà áo dài lướt đi trong không gian trên những chiếc vespa hay mobylette, trên xe đạp, xích lô hay theo cả những bước chân trên bình dị vỉa hè.
Những chiếc áo dài đã làm nên một hồn cốt cho Sài Gòn để rồi sau này thăng hoa hơn, phổ biến hơn với kiểu áo dài hở cổ kiểu “bà Nhu” đã đi vào lịch sử. Những năm đó, Sài Gòn vẫn là miền của nắng, nắng ngập đường ngập lối em đi. Nắng chói chang, nắng phồn thực, nắng rực rỡ, nắng tự do.
Nắng là niềm cảm hứng cho biết bao người về khát vọng, về sự mạnh mẽ tươi sáng, về sức sống sục sôi nhưng chỉ đến Nguyên Sa thì cái sự thiên nhiên này mới mang một điều mới lạ, đó là nắng mang lại cả một niềm tâm sự về cuộc đời, về thân phận con người mà gặp nắng này.
Con người không thấy nóng mà tự nhiên thấy mát, thấy một nét dìu dịu trong lòng, không phải vì em hay chính vì em, người con gái với tấm áo lụa Hà Đông mỏng mảnh mà đẩy lùi cả sức nóng mặt trời.
Nắng của Nguyên Sa là nắng ở Sài Gòn nhưng dưới hình hài một thiếu nữ thanh tân, nàng mang trên mình một góc quê hương đã lùi xa vạn dặm, xứ Hà Đông. Tắm mình trong ánh nắng này, Nguyên Sa như có được phần sinh khí để trân trọng, để tiếc thương.
Vốn là nhà triết học, ông hiểu cuộc đời là sự “chợt đến, chợt đi”, mà việc tất yếu khách quan như “trời chợt mưa, chợt nắng”, nhưng không hề có sự ngẫu nhiên về giá trị của sự hiện diện trong cuộc đời.
Sự chia cắt đã làm ông đau đớn, không chỉ là gọi khan cổ trong một tiếng thơ buồn vọng lại đến hôm nay mà chia xa đã mang đến cho ông một sự cô đơn thần thánh, đến nỗi mà ở giữa Paris khi đang theo học Sorbonne.
Ông vẫn nhớ về cái nắng Sài Gòn chói chang hè phố, vẫn còn cảm giác ớn lạnh đơn côi mà ông thanh minh là “chợt mát” khi nhìn thấy em đang ngoài kia, bên người, trong tà áo lụa Hà Đông.
Tà áo đó, màu áo đó đã hằn sâu vào ký ức, để sau này có được một bài thơ “áo lụa Hà Đông” da diết nhớ thương. Sài Gòn những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, hiện đại hơn, đông đúc hơn, rộng rãi hơn nhưng cũng bẩn thỉu hơn, xấu xí hơn và xa lạ hơn.
Vẫn có sự phân hóa giàu nghèo chỉ khác nhau về khoảng cách và tỷ lệ. Mọi thứ đã thay đổi, nếu Nguyên Sa còn sống, không biết ông nghĩ sao khi vẫn trong cái nắng Sài Gòn ngày xưa ấy, giờ đã thiếu vắng nhiều những tà áo lụa Hà Đông.
Thay vào đó là bạt ngàn áo chống nắng với nhiều mẫu mã khác nhau. Thương hiệu nhiều, cao thì có Uniqlo của Nhật , Suntect của Đài Loan, thấp thì có vô vàn hiệu Tàu và Việt Nam cùng nhau đóng góp. Chất liệu xấu, kiểu dáng xấu, mầu sắc xấu, thiếu nữ ra đường vì thế cũng xấu hơn.
Họ coi đây là phương tiện bảo hộ, mặc như mặc áo mưa, trùm kín từ đầu xuống dưới, phần hở cuối cùng là mu chân cũng được cẩn thận lồng vào đôi tất. Hàng vạn ninza thời nay xuống phố, thong dong hay vội vã trên mọi con đường, ngẩng đầu lên vẫn có lá me bay nhưng làm sao nhìn thấy được.
Ai cũng như ai, dẫu vội vàng hay thong thả. Thi sĩ cũng ngẩn ngơ vì nàng thơ của mình, bình thường đẹp thế, giờ cũng chìm nghỉm trong bể người mặc áo chống nắng đang bơi. Một câu hỏi bâng quơ, sao không ai tìm đến với áo dài, với cả tác dụng cho con người và mỹ quan đô thị.
Với một chất liệu phù hợp hãy đưa áo dài xuống phố thay vì chỉ mong manh trong những event hay sảnh khách sạn, hãy trả lại ngày nay một phần ký ức của ngày xưa, phần quá khứ đẹp đẽ cần hiện diện song hành với hiện tại.
Chẳng phải áo dài đã và luôn là trang phục đẹp nhất của thiếu nữ Việt Nam hay sao? Sáng nay xuống phố đưa con đi học, cát xét nỉ non Tuấn Ngọc, đường đông tắc cục bộ, bạt ngàn áo chống nắng leo vỉa hè tìm đường đến chỗ quẹt thẻ, chợt thấy chuyện đâu phải chỉ là chuyện của riêng Sài Gòn?
Tự nhiên, lại thấy nhớ Nguyên Sa nhiều hơn.
Hà Nội 30.9.2014