Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Viết ngày quốc tang

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    A- A+
    Ông có nói những điều này như một triết lý nhân sinh về cuộc đời và về cái chết: “Việc quan trọng của một đời ta không phải là ở chỗ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)
    Sáng nay dậy sớm với mục đích duy nhất là đón xem VTV1 truyền hình trực tiếp quốc tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người Ninh Bình, vắn số ngoài lục thập. 

    Tôi thì vẫn tin gốc nhà Trần là ở Thái Bình hay Nam Định chứ không phải ở Ninh Bình, thế nhưng có thể do ảnh hưởng của địa linh mà triều đại nào phát tích từ đây cũng đều ngắn ngủi. 

    Một cuộc đời chỉ được đánh giá chính xác nhất là khi con người đó nằm xuống, "cái quan định luận", là các cụ hay nói thế nhưng vấn đề ở chỗ cái phát ngôn "định luận" ấy nó từ đâu? 

    Nếu chỉ thuần túy ở bộ máy tuyên truyền chính thống thì hẳn có phần thiếu sót. Nếu chỉ dừng ở "ý Đảng" mà chưa chạm tới "lòng Dân" thì chưa đúng với tinh thần của Trung ương, chưa tạo được "nền tảng cho thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng", chưa làm đúng lời dạy bao đời "lấy Dân làm gốc" của tiền nhân. 

    Chủ tịch nước là người tốt (nhiều người quen biết đã từng làm việc, tiếp xúc cũng bảo thế), nhưng nếu thành tích công lao so với các bậc công thần trong lịch sử.

    Không nói xa thời phong kiến, chỉ tính thời lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay có bao nhiêu vị công trạng hơn Chủ tịch nhiều mà khi nằm xuống cũng chỉ lấy cho mình dăm thước đất, vì biết "nước ta còn nghèo, dân ta còn nghèo, phải cần kiệm liêm chính, ... như lời dạy của Bác Hồ vĩ đại". 

    Tại sao lại có thể làm lăng tẩm đền đài cho cá nhân (dù công lao của họ lớn thế nào đi chăng nữa) khi đói nghèo và bất công xã hội còn đầy rẫy, nhất là khi chúng ta đang ở một thể chế xã hội chủ nghĩa, do một Đảng Cộng sản lãnh đạo, thế nào là chuẩn mực đạo đức của người cộng sản, là đại diện ưu tú cho giai cấp vô sản? 

    Có phải đôi khi tình cảm lấn át lý trí làm chúng ta quên đi không? Không phải ngẫu nhiên mà ở đâu đó trong xã hội người dân đã gọi xã hội này là xã hội "nửa phong kiến nửa xã hội chủ nghĩa". Tại sao lại rơi vào cái bẫy vinh hoa phú quý nặng mùi chủ nghĩa cá nhân mà chính Đảng đã coi là con rắn độc phải tẩy rửa hàng ngày trong mỗi một đảng viên? 

    Tôi chợt nhớ tới lời một vị tiền bối, người huynh trưởng đầu tiên của các tráng sinh trong phong trào Hướng đạo, người chủ nhiệm thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ, làm việc ở Mường Phăng cùng Đại tướng.

    Ông có nói những điều này như một triết lý nhân sinh về cuộc đời và về cái chết: “Việc quan trọng của một đời ta không phải là ở chỗ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Nếu chúng ta tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới, thì cái đời chúng ta có ý nghĩa, cái đời đáng sống. 

    Như thế trên đời này, ngửa không thẹn với giời, cúi không thẹn với đất, mở mắt nhìn người không phải cúi đầu. Chúng ta để hết lòng, hết chí, ta làm việc ta, rồi ngày mai, hay một hôm nào đó, chết, ta có thể chết mà vẫn mỉm cười một cách thỏa mãn, chết không còn nuối tiếc gì nữa. 

    Sống đã có nghĩa thì rồi chết cũng có nghĩa.” Ông là ai? Mời bạn hãy đến nghĩa trang Mai Dịch, đi thẳng rẽ trái men theo hồ, chịu khó nhìn vào các hàng bia mộ bên trong. Mộ ông đơn giản, bia đá đơn sơ, chỉ đề mấy chữ: Cụ Hoàng Đạo Thúy!

    Sài Gòn 26/9/2018

    Subjects: