Mỗi ngày qua là một ngày đáng sống. Nếu có gì đáng nhớ thì càng vui.
Chợ Bến Thành xưa. (Ảnh: Internet) |
Sáng nay mát trời chân lại đòi xuống phố lang thang. Xách xe chạy tà tà, cầu Kênh Tẻ đang mở rộng (thực chất đập bỏ phần lề đường dành cho người đi bộ) khiến xe cộ ùn tắc đến chừng 20 phút mới qua được.
Quận 4 như dấu gạch nối giữa vùng quê kiểng rừng Sác chiến khu với đô thành ngọn xanh ngọn đỏ. Thủ phủ xưa của Năm Cam giờ hiền hòa thân thiện.
Nhớ hôm ghé Cô Giang gần chợ Cầu Muối có việc, mấy anh chị ngồi vỉa hè cứ rủ anh Hà Nội vào ngồi làm mấy cốc mà bận nên phải từ chối mãi, rất ngại trước sự nhiệt tình vô tư của người Sài Gòn.
Cầu Ông Lãnh (tên gọi ông Lãng binh Thăng có công chống giặc Pháp ngày trước) rộng rãi xuôi về Quận 1, chạm trực tiếp vùng di tích lịch sử và di sản cảnh quan kiến trúc tạo nên hồn cốt của Sài Gòn 300 năm.
Nhưng không đi thẳng, cái tay tự xoay ghi đông xe rẽ phải Phan Văn Trường về chợ Dân Sinh. Ờ, cái đầu nghĩ, hình như có vài bức tượng đã vài lần nâng lên rồi lại đặt xuống do cầu chưa gặp cung vì vấn đề giá cả.
Thôi chưa mua được thì đến ngắm có sao đâu. Nhìn ngắm cũng là một cách để giải tỏa xì trét và đam mê giống như bao lần ngồi vỉa hè cafe ngắm người đi đường, ngắm Sài Gòn để vơi đi nỗi nhớ thương Hà Nội. Bức tượng cần tìm đã không còn.
Chủ quán đưa ra một phiên bản xấu đến tệ hại. Không còn cảm xúc như lần đầu nhìn thấy nó, cái cảm xúc đã khiến mình lên mạng tìm thông tin rồi mò đến tận nhà của điêu khắc gia nổi tiếng Sài Gòn, người đã tạo tác ra bức tượng để rồi biến cố 1975 xảy ra đã khiến nó bị giật đổ và nấu chảy để đúc tượng Bác Hồ.
Nhưng không sao, hôm nay nhiều hàng đẹp. Lọt vào mắt là một bức Phật Thích Ca mặc áo cà sa hở nửa vai, gầy mong manh tu hành, đang ngồi kiết già. Chất khổ hạnh làm mình ưng ý. Bức nữa là Quan Âm Bồ tát tay cầm cành dương liễu, dáng thướt tha dịu dàng quán thế nhân sinh.
Không "mắc" lắm nên trong không thư thái mát mẻ sáng đầu ngày, cung cầu gặp nhau chỉ trong nháy mắt. Ra đến cửa, cái đầu ra lệnh cho chân tay: Đến Bưu điện Thành phố. Tự dưng muốn chui vào bên trong xem nó thế nào.
Bao lần đi ngang ngồi cạnh chỉ nhìn thấy cái bên ngoài mà chưa thấy cái bên trong, âu cũng thập phần thiếu sót. Bãi xe Hai Bà Trưng hết chỗ đành vòng ra đầu Nguyễn Du. Ngày cuối tuần vé đẩy lên 10 nghìn.
Không sao cũng tiện cho việc ngắm nhà thờ Đức Bà (dân trong này gọi là Vương Cung Thánh Đường) buổi trùng tu đóng cửa. Khách du lịch đông đảo như mọi hôm, đa phần là Trung Quốc.
Vào Bưu điện, tòa nhà được xây cuối thế kỷ 19 đến nay vẫn còn nguyên vẹn từ viên gạch lát nền, cửa sổ, lan can đến hệ thống cột sắt tán đinh gắn với mái vòm mà tất cả nguyên liệu đều nhập từ Pháp.
Màu vàng tường vôi nguyên bản không còn nhưng cũng cơ bản chấp nhận được, không như cách đây mấy năm sơn màu vàng quá đến mức không ai chịu nổi, sau phải làm lại. Trên hai vòm ngách còn giữ được 02 bức tranh tường vẽ bản đồ Nam Việt Nam (Nam Kỳ) và Sài Gòn thời Pháp thuộc.
Cuối khán phòng là chân dung Bác Hồ tráng lệ uy nghiêm, thần thái nhân hậu. Như một thói quen trước đây khi còn đi công tác nước ngoài, mua vài tấm postcard gửi cho người thân như lưu dấu một khoảnh khắc đáng nhớ.
Cô bưu chính dễ thương bán cho phong bì với tem lại còn cẩn thận chỉ chỗ dấp nước và phết hồ. Lâu lắm mới gửi thư tay nên không biết giờ VN có cả tem giá tiền 4 nghìn rưởi.
Tạm biệt bưu điện, lê sang đường sách Nguyễn Văn Bình. Trận mưa bất chợt nửa rào nửa bóng mây làm đường loáng nước, hàng me trên đầu đọng nghìn giọt lệ của mẹ thiên nhiên, gió đi qua lại ào xuống như sương rụng.
Nắng chiếu qua chúng đẩy sắc lấp lánh li ti, hình như cũng có lần nhìn nắng lên sau mưa thế này mà Trịnh đã viết "Nắng thủy tinh" thì phải. Lang thang, xe buýt sách là một sản phẩm mới, điều phối phi lợi nhuận và cộng tác của tình nguyện viên.
Khá hay! Mượn 1 cuốn rồi nhâm nhi ly cafe dưới vòm me xanh mát cũng là một cách relax thú vị rẻ tiền giữa một Sài Gòn đắt đỏ và ồn ào.
Mỗi ngày qua là một ngày đáng sống. Nếu có gì đáng nhớ thì càng vui. Vì suy cho cùng cuộc sống cũng để làm thi vị và vui vẻ cho cuộc đời thôi mà, phải vậy không?
Sài Gòn 15/9/2018