Sau thời kỳ anh Thập là đến thời kỳ của anh Nguyễn Trấn Phòng (xen giữa là một thời gian ngắn anh Nguyễn Quốc Thắng phụ trách dự án). Về cơ bản giai đoạn này không dài nhưng lại có dấu ấn cải cách tới dự án, đặc biệt là tới đời sống của anh em. Đó là 3 việc: Mua xe ô tô, chuyển đổi văn phòng và cải cách tiền lương/chế độ đi lại.
Văn phòng trước đó đặt ở khu Hydra (có 02 nơi gọi tắt là Paradou và Hydra), nằm ở trên đồi cao trong một khu vực rất an toàn có nhiều Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao, bên cạnh công viên Olof Palme . Khi dự án bước sang giai đoạn Thăm dò 2 với chiến dịch khoan thẩm lượng trên các cấu tạo cả Bir Seba, MOM và BAT, nhu cầu nhân lực cho dự án tăng thêm (thời điểm đó có chủ trương thuê một lúc 3 giàn khoan để đáp ứng cho chiến dịch). Văn phòng hiện tại không còn đáp ứng được nữa nên cần thay thế. Anh Nguyễn Quang Hùng (Trưởng phòng TCHC) là người đã trực tiếp đi tìm trụ sở mới và hoàn thành việc chuyển văn phòng vào tháng 4/2008.
Văn phòng đó đã tiếp tục tồn tại cho đến 2015 trước khi toàn bộ nhân viên GBRS phải chuyển xuống làm việc tại Hassi Messaoud (hiện nay chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ ở trên thủ đô Alger).
Song song với việc chuyển văn phòng mới, Dự án cũng chính thức không thuê xe mà mua 03 xe mới (02 xe Ford Transit 9 chỗ và 01 xe Ford Mondeo) để phục vụ công việc. Việc có được một văn phòng khang trang sạch đẹp, nằm ở trung tâm, ngay sát đường quốc lộ và bố trí khu vực nhà ở kèm bếp ăn ở gần đó, đi lại bằng xe mới đã khiến cho hình ảnh và vị thế của dự án được nâng lên trong mắt nước chủ nhà và các đối tác, đời sống anh em cũng được cải thiện tốt hơn.
Về cải cách tiền lương, câu chữ thì to tát chứ đơn giản chỉ là trên cơ sở một số quy định mới về thang bảng lương cho cán bộ biệt phái (sửa đổi Chính sách Nhân viên làm việc ở Nước ngoài), anh Nguyễn Trấn Phòng đã tìm cách « tăng lương » cho anh em trong phạm vi quyền hạn cho phép. Trước đó, lương tháng anh em phổ biến ở mức 5-700USD/người, cộng thêm một số phụ cấp. Đi lại thì trước đó là 12/2 (12ON/2OFF nghĩa là làm 12 tuần về nghỉ 2 tuần), sau có Chính sách thì được giảm xuống còn 10/3. Như một nguyện vọng chính đáng muôn đời của giai cấp công nhân, mọi đấu tranh đều vì mục tiêu « tăng lương – giảm giờ làm », thời điểm đó (2007) với những anh em biệt phái tại Algeria, vừa được cải thiện thu nhập đồng thời lại có chế độ nghỉ ca hợp lý hơn, đó quả là một cuộc cách mạng.
Cũng trong thời kỳ này, khi tiến hành chiến dịch khoan, bộ phận Thi công do anh Nguyễn Xuân Cường (sau đó là anh Đinh Trọng Huy) chỉ huy đã giám sát chỉ đạo nhà thầu khoan đạt được 2 kỷ lục tại Algeria về khoan nhanh nhất (3.25 mét/giờ tại giếng BRS-9) và khoảng khoan dài nhất đặc biệt khi khoan thân giếng xiên và ngang với choòng khoan thấm nhiễm 6” K505BPX khi khoan trong địa tầng Hamra (208.5m tại giếng BRS-10), được các nhà thầu dầu khí nước ngoài và nước chủ nhà đánh giá cao. Đội hình phòng Khoan thời điểm 2006-2008 rất mạnh với các tên tuổi như Nguyễn Xuân Cường, Đinh Trọng Huy, Lê Hồng Quang, Đặng Quang Hùng, Ngô Thế Dương, Phạm Sỹ Phúc, Nguyễn Quốc Hưng , Đinh Văn Thùy , … Không lâu sau đó, anh Phòng được điều chuyển sang dự án Tunisia và anh Nguyễn Văn Quế sang thay thế (tháng 4/2008).
Sự xuất hiện của anh Quế đã gián tiếp mang đến cho dự án một Giám đốc tương lai, đó là anh Lê Bá Tuấn, lúc đó đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Phát triển. Cặp bài trùng Nguyễn Văn Quế và Lê Bá Tuấn (2008-2010), hai vị thuyền trưởng mẫu mực đã có mặt ở một thời điểm vô cùng quan trọng đối với dự án, thời điểm chuyển giai đoạn từ giai đoạn thăm dò sang giai đoạn phát triển, với hàng núi công việc liên quan tới dự án, tập trung chủ yếu ở các báo cáo đánh giá, báo cáo đầu tư và thiết lập mô hình quản lý điều hành cho giai đoạn phát triển. Các bên đã trao đổi rất nhiều, cuối cùng mô hình quản lý theo kiểu Liên doanh Điều hành chung (Groupement) đã được lựa chọn theo sáng kiến của nước chủ nhà. Kết quả đàm phán và sự phối hợp trong công việc giữa hai anh trong vai trò Giám đốc Dự án và Trưởng phòng Phát triển đã là minh chứng sinh động cho sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước các yêu cầu đôi khi phi lý của nước chủ nhà. Chính sách nhân viên của GBRS cuối cùng được xây dựng trên cơ sở 3 chính sách nhân viên của PVEP, PTTEP và Sonatrach, lựa chọn những điểm ưu việt hơn để áp dụng. Như đã nói ở trên, ngày 10/02/2009 thỏa thuận về việc thành lập Liên doanh điều hành chung Bir Seba (GBRS) đã được ký kết giữa các bên tham gia (trên cơ sở đó ngày 13/12/2009 đã hoàn thành đăng ký kinh doanh cho GBRS). Trong tiến trình đi tới bước ngoặt mang tính lịch sử của dự án này, hình ảnh và vai trò của anh Nguyễn Văn Quế và anh Lê Bá Tuấn vô cùng rõ nét. Mặc dù vậy, khoảng thời gian sau đó vẫn rất gian nan, khó khăn vẫn còn chồng chất. Hơn ai hết, chính anh Nguyễn Vũ Trường Sơn (Tổng Giám đốc PVN) hiểu rõ điều này vì thời điểm đó anh đang là Tổng Giám đốc của PVEP. Một lần tháng 11/2009, anh sang dự họp MCM và tôi ra sân bay đón anh về văn phòng. Trên đường, anh có hỏi tôi: Em làm bộ phận Hành chính, có khi nào em quan tâm tới những vấn đề khác không? Em có biết những khó khăn hiện tại của dự án này không? Rồi không để tôi trả lời, anh đã nói luôn: Dự án hiện đang gặp khó khăn, không biết có đi tiếp được hay không. Khoảng cách mong manh chỉ như thế này. Rồi anh khép hai ngón cái và ngón trỏ lại, nheo mắt nhìn tôi. Tôi nhìn qua kẽ tay, thậm chí không còn thấy một tia sáng. Sau tôi mới biết, đó là lúc các bên đang « cân » bài toán kinh tế cho mỏ, hiệu quả của mỏ Bir Seba tại thời điểm đó chỉ vượt điểm hòa vốn không nhiều. Tôi vẫn nhớ vào mỗi buổi sáng sớm, anh Quế thường rủ anh Tuấn, Thanh và tôi đi chạy. Khu nhà chúng tôi ở nằm ở Dely Ibrahim, cách văn phòng chừng 20 phút đi ô tô. Không xa lắm là khu liên hợp thể thao có sân golf, đường rộng lại vắng nên chúng tôi thường chạy một vòng chừng 2 km rồi quay về. Anh Quế người đậm nên đi bộ, mặc cho ai chạy thì chạy. Ấy vậy mà anh đi bộ rất nhanh, mấy anh em cứ chạy xong khoảng 200m gần nhà thì đi bộ thả lỏng, cứ nghĩ ông anh đang ở rất xa, không ngờ chỉ vài phút sau đã thấy anh ở sau lưng, rồi thậm chí còn phăm phăm đi về đến nhà trước. Dự án lúc đó đã vào Groupement, chế độ được cải thiện nhiều, đặc biệt là các hoạt động văn thể. Anh Quế thường rủ chúng tôi đi đánh tennis ở sân Ben Acknoun, anh chơi rất hay, vẫn thường hay « mắng » tôi khi đứng cặp với anh: Chú đánh thế này thì « chết » ! Một kỷ niệm nữa với anh Quế là hồi đó (2008), bếp ăn đang thiếu đầu bếp, việc duy trì bếp ăn đứng trước thử thách. Với tư cách Chủ tịch Công đoàn lại làm hành chính, tôi báo cáo anh. Anh nói: «Em làm cái survey, kiểu Questionnaire, nếu mọi người đồng ý thì tiếp tục ». Quả nhiên, cách làm đó hiệu quả, trên cơ sở kết quả survey, Công đoàn tiếp tục duy trì bếp ăn (xuống tận Oran mời em Nguyễn Minh Tuệ đang làm ở khách sạn về làm cho dự án, phụ trách bếp ăn), mãi tới 2010 bếp mới dừng hoạt động. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, việc duy trì bếp ăn tập thể là cần thiết cho một dự án kiểu này (hầu hết là đàn ông, công việc bận rộn, phụ cấp ít, khách nhiều), chỉ khi không còn đủ điều kiện nữa thì mới đành thôi. Rất tiếc Công đoàn đã không còn tiếp tục duy trì được bếp để sau này khi có các đoàn sang thì thường đón tiếp mang tính cá nhân với số lượng hạn chế chứ không còn danh nghĩa Dự án để « tiệc tùng » đông vui thậm chí có khi thâu đêm suốt sáng như ngày trước nữa (chế độ lúc này mỗi cán bộ biệt phái được ở trong một căn hộ, 02 phòng ngủ, phòng khách, bếp, 02 toa lét, … khác hẳn thời ở Colone hay Dely Ibrahim, mỗi người chỉ có 1 phòng riêng để ở, còn mọi thứ đều chung).