Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Một chuyến rong chơi

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    A- A+
    Cuộc sống thế thôi. Cuộc rong chơi này cũng bất kỳ tử như bao lần khác. Chất ngẫu hứng không biết từ khi nào đã cắm rễ trong con người mình để khi nhìn lại cũng cảm thấy ngạc nhiên pha chút tự hào.

    Chợ nổi miền Tây. (Ảnh minh họa)
    Chính lúc này tôi đang ngồi bên bờ sông Tiền phía Mỹ Tho, trước mặt le lói sáng là cù lao Thới Sơn, xa hơn nữa là Bến Tre. Cầu Rạch Miễu xa xa trong đêm chỉ nhìn thấy dàn đèn gắn trên nóc trụ. 

    Chợ đêm họp trước UBND tỉnh và Tỉnh ủy như phản ánh sự chân chất miền Tây, không khách khí cao đạo, xa cách, chỉ cần hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của nhân dân. 

    Vì thế mà xung quanh rất nhiều tiếng cười, tạo nên những ồn ã hợp lý cho không gian. Trăng mười ba sáng rực soi rõ cả đám lục bình đang trôi trên sông. Năm nay nước về sớm, lại nhiều nên dân miền Tây thích lắm. 

    Họ sẽ có nhiều cơ hội để kiếm sống từ những dòng sông. Cạnh chỗ tôi ngồi là một gia đình đang sống ở đây. 

    Hẳn thế vì giọng nói và câu chuyện, ông chồng hỏi vợ: Rằm này cúng ở đâu? 

    Vợ đáp: Chắc Cao Đài. 

    Rồi lại im. 

    Lúc sau lại hỏi câu, lại trả lời, rồi lại im. 

    Những hội thoại không đầu không cuối nhưng xen vào đó vẫn là những tiếng cười. Cô con gái trạc tuổi Mi ngồi với bố mẹ, chúi mũi vào cái di động. 

    Cạnh nữa là một bàn gồm 3 ca sĩ cải lương vừa đi diễn về ra đây ngồi uống nước hóng mát. Quần áo họ còn lóng lánh kim sa. 

    Cậu bé dắt xe hỏi: Dì đi diễn về sớm? Ừ con. 

    Nghệ sĩ già ngoài ngũ thập thanh sắc đâu còn, họ diễn chỉ vì yêu nghề chứ đâu phải vì mấy cắc bạc. Là tôi nghĩ thế vì câu chuyện họ rổn rảng xen lẫn những câu ca trong vở diễn ngẫu hứng ngân lên. 

    Họ động viên nhau: Hôm nay quan huyện diễn tốt. Rồi ca nữ nhận xét: Tại đàn khớp chứ tao ca hôm nay cũng không được. 

    Rồi một người bật clip lên xem lại phần thu buổi diễn để rút kinh nghiệm. Họ cùng tập trung nghe và mổ xẻ rút kinh nghiệm từng phần, tay vẫn không ngừng dầm đá để tan trong ly nước. 

    Cuộc sống thế thôi. Cuộc rong chơi này cũng bất kỳ tử như bao lần khác. Chất ngẫu hứng không biết từ khi nào đã cắm rễ trong con người mình để khi nhìn lại cũng cảm thấy ngạc nhiên pha chút tự hào. 

    Tại sao lại không thể làm những điều mà mình muốn? Mục tiêu ban đầu là Long An nhưng điểm đến cuối cùng là Mỹ Tho. Các địa danh đi qua đều khá quen thuộc như Bình Chánh, Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Châu Thành nhưng cũng có cái tên khá lạ tai là Tân Lý Tây. 

    Đang đi đường quốc lộ không cây cối chợt thấy một vùng xanh um, cây cao hàng chục mét như rừng. Nghĩ thầm chắc có di tích gì đó hóa ra đúng thật. Đó là địa phận ngôi đình Thần Tân Lý Tây nhưng xung quanh toàn các tòa nhà gắn quốc huy cả. 

    Cũng hợp lý vì chỗ đó mát mẻ, thờ cúng, ở hay làm việc đều tốt cả. Thế mới biết bom đạn chiến trường cũng biết nể sợ thần linh chứ nếu không tại sao cả vùng chiến địa trơ trọi lại còn nguyên một khu rừng như thế? 

    Tân An là một thành phố rất yên tĩnh và thanh bình. Sân vận động cũ kỹ tróc vôi hở gạch trên khán đài nhưng không ngăn cản được khán giả đến sân dù đội bóng con cưng Gạch Đồng Tâm Long An ngày xưa một thời oanh liệt đang ngụp lặn ở giải hạng Nhất và chắc còn tiếp tục vài mùa nữa. 

    Đi vòng vòng thấy Vincom Plaza sừng sững một góc phía bờ sông, góp với Coop Mart thành một khu mua sắm cho thành phố. Nắng nôi mà các quán thư thớt, vắng vẻ. 

    ìm mãi mới có một quán cơm niêu để lót dạ bữa trưa. Dừng xe thấy cả nhà đang ăn cơm kiểu hết khách nghỉ bán hàng. Quán còn bán không chị? Dạ còn. OK. 

    Thực đơn tự chọn gồm 1 con cá dứa kho, thịt heo kho măng, đậu đũa xào và canh củ cải chua. Mọi thứ giống như cơm đều được chế biến nóng lại và để trong niêu nên nhìn trên bàn có tới 3 cái niêu. Cộng thêm 2 cái khăn để gột bỏ bụi đường để lại đất Tân An, thanh toán hết 55 nghìn. 

    Ngầm nghĩ: Cũng tạm được. 

    Nấn ná đi một vòng nữa rồi mới quay xe xuôi hướng Mỹ Tho. Thế là tự nhiên mò được bến xe Long An và một tấm biển viết về một nhân vật lịch sử đất này: Châu Văn Giác.

    Cồn Phụng nay là một điểm du lịch rất đáng xem ở Bến Tre không chỉ vì đặc sắc cảnh quan mà còn vì nơi đây đã từng là căn cứ địa của Đạo Dừa với giáo chủ Nguyễn Thành Nam. 

    Ông sinh năm 1916 người gốc Bến Tre, chủ trương lập đạo để tạo lập và gìn giữ hòa bình cho Việt Nam cũng như cho thế giới. Ước vọng đó có thể là hoang tưởng nhưng ít ra nó cũng có sức hấp dẫn nhất định đối với tín đồ. 

    Thời thịnh vượng ông có đến hàng nghìn người đi theo, luyện pháp và đóng góp tài lộc để xây dựng căn cứ ở cồn Phụng với quy mô khá bề thế. Ở sảnh chầu ông làm 9 con rồng hàm ý Cửu Long (1 con đực 8 con cái) chầu về phía Long Môn là nơi đặt ngai giáo chủ và mô hình địa đồ nước Việt Nam. 

    Các công trình khá kiên cố đến nay còn nguyên vẹn chứng tỏ việc thiết kế và giám sát thi công khá bài bản và nghiêm túc. Từ cổng chính dẫn vào sân chầu đều chia làm 2 nửa bằng nhau phân biệt bằng hai mầu xanh nhạt và vàng nhạt, chất liệu đá rửa một thời rất thịnh ở Việt Nam. 

    Hai mầu đó dành cho các tín đồ nam và nữ theo quy định "nam tả nữ hữu". Đang viếng nơi tưởng niệm giáo chủ từng ngồi hành pháp thì bất chợt trời sẫm tối, mưa từ đâu ào ạt thốc vào cồn. Nhìn tòa Long Môn vốn dĩ đã sơn màu đen thẫm nay trong mưa gió càng hoang lạnh rợn cả người. 

    Vài sợi khói hương bay lên cũng không át được không gian, sóng cuồn cuộn hai bên, phù sa đặc quánh, nỗi ám ảnh hồng hoang ấy khiến thần trí con người cũng vì thế mà kinh sợ.

    (còn nữa)

    Subjects: