Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Tản mạn chiều hôm

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    A- A+

    Đôi khi sự hẻo lánh khiến con người nhớ hơn vì không bị phân tâm vì ánh sáng và tiếng ồn.

    Ảnh minh họa.
    Chiều trôi chậm. Ly đá chanh đã cạn gần nửa mà nắng vẫn chưa đi hết đám cỏ xanh trước mặt. Đám thợ đào đất đang hì hục đánh lỗ để chuyển cây từ bên kia đường sang góc công viên. 

    Mấy bóng trắng bụng phệ lẫn hai dây ngẩn ngơ đi tập thể dục, nhễ nhại tai nghe không dây lầm lì như những chiếc bóng. 

    Lại Lệ Quyên chân cong văng vẳng "ngày buồn dài lê thê, có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về ...", giọng ca không quá xuất sắc nhưng dễ nghe, dễ cảm, dễ đi vào lòng người. 

    Đó là không gian của Susu cafe một ngày không tên, như mọi ngày khi hết giờ làm việc, tìm một góc riêng cho mình để mà trò chuyện với hư không. 

    Kể cũng không khó khăn lắm khi tìm một chỗ ồn ào hơn nhưng, như Khánh Ly đã từng hỏi Trịnh, để làm gì, điều đó có cần thiết không? Trả lời được thì sẽ thấy con đường. "Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối ..." giờ thì nắng đã tắt hẳn. 

    Hàng cây tối dần khi ánh điện bừng sáng khắp nơi. Cái gu thị thành là đèn điện, nó làm mình nhớ đến ánh đom đóm ở dòng sông Kampot và bãi cỏ rộng ở rừng Cúc Phương. 

    Đôi khi sự hẻo lánh khiến con người nhớ hơn vì không bị phân tâm vì ánh sáng và tiếng ồn. Như ngọn đèn nhỏ ở chân đèo Gió sao cứ hằn vào tâm trí như tột cùng của sự cô đơn? 

    Ly đá chanh pha đúng kiểu Sài Gòn đã cạn, chỉ còn lấp lánh vài viên đá nhỏ nơi đáy cốc. Nó như một ẩn dụ thú vị về cuộc đời. Không phải ai cũng may mắn được nhìn thấy niềm hạnh phúc và sự vui vẻ nơi đáy cốc vì nửa chừng đã phải giã từ. 

    Phải, giã từ tất cả về chốn hư vô. Tự nhiên thấy buồn về thân phận con người, về cái sự hữu sinh hữu diệt, vô thủy vô chung.

    Sài Gòn 3.7.2018

    Subjects: