Cá nhân tôi thường nhớ về cái màu xanh bàng bạc của loài cây tượng trưng cho vùng Địa Trung Hải, đó là màu xanh ô-liu.
Những dòng ký ức này được viết ra như một lời tri ân cho các thế hệ lãnh đạo và CCB dự án, những người đã cùng nắm tay nhau tạo nên lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Một dự án duy nhất đến thời điểm này thành công với sự tham gia của Việt Nam từ A đến Z, chủ động và tự lực cánh sinh, từ đấu thầu quốc tế, đàm phán ký kết hợp đồng đến tìm kiếm thăm dò và cuối cùng là phát triển khai thác.
Ý định viết bị ảnh hưởng bởi các câu hỏi:
Tại sao lại không viết?
Không viết bây giờ thì viết khi nào?
Tại sao người viết không phải là mình?
Tuy động cơ là trong sáng, nhưng có thể đôi chỗ ngôn ngữ không diễn đạt được hết ý hoặc sự chính xác hay chi tiết bị giới hạn bởi trí nhớ khi đã vào độ tuổi trung niên, có thể gây ra những điều không đáng có, xin được niệm tình mà bỏ qua cho.
Một dự án duy nhất đến thời điểm này thành công với sự tham gia của Việt Nam từ A đến Z, chủ động và tự lực cánh sinh, từ đấu thầu quốc tế, đàm phán ký kết hợp đồng đến tìm kiếm thăm dò và cuối cùng là phát triển khai thác.
Ý định viết bị ảnh hưởng bởi các câu hỏi:
Tại sao lại không viết?
Không viết bây giờ thì viết khi nào?
Tại sao người viết không phải là mình?
Tuy động cơ là trong sáng, nhưng có thể đôi chỗ ngôn ngữ không diễn đạt được hết ý hoặc sự chính xác hay chi tiết bị giới hạn bởi trí nhớ khi đã vào độ tuổi trung niên, có thể gây ra những điều không đáng có, xin được niệm tình mà bỏ qua cho.
NHỮNG KÝ ỨC XANH MÀU Ô-LIU
Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên (Thế Lữ)
LỜI TỰ SỰ
Sau khi vào ngành và công tác tại Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) do anh Đỗ Văn Hậu làm Giám đốc, tôi may mắn được đồng hành cùng PVEP từ ngày đầu thành lập (5/2007) trên cơ sở sáp nhập PIDC ở Hà Nội và PVEP ở TPHCM. Trước đó, tháng 9/2006 tôi được điều động sang Dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Algeria (PIDC Alger) và gắn bó với dự án tới tháng 02/2011.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập PVEP, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, tôi bỗng nảy sinh cảm hứng và muốn viết về những dấu ấn cảm xúc của cá nhân trong quãng thời gian hơn 10 năm qua, tuy không dài nhưng đó là những năm tháng đáng nhớ của cuộc đời tôi cùng những cống hiến cho ngành dầu khí trong đó trọn vẹn thuộc về PVEP. Với tôi, PVEP còn hơn một tổ chức, đây là một gia đình lớn, một trường học lớn, một « chiến trường » lớn với rất nhiều dự án cả ở trong và ngoài nước để con người có cơ hội thử thách cái Tôi của mình.
Cá nhân tôi có may mắn được sống trong gia đình lớn đó, được hít thở bầu không khí có mùi hydrocacbon và dần dần từng bước trưởng thành qua các dự án. Ở đâu cũng cho tôi những điều đáng tự hào, những giá trị và những người bạn, nhưng có lẽ sâu sắc nhất vẫn là dự án Algeria, đơn giản thôi vì thủa đó khi vào độ tuổi 30, nhiệt huyết và khí chất thanh niên còn đầy đặn, làm hay chơi đều « khỏe » nên có nhiều thứ để chia sẻ, để vun đắp và để làm sao cho ngày tháng trôi nhanh.
Biết viết gì đây khi những ký ức còn vẹn nguyên và đầy ắp, tựa như mới hôm qua còn lang thang ở Monument để chụp ảnh và uống rượu vang cùng đồng nghiệp bạn bè. Mười năm qua như một chớp mắt, không đủ để con người cảm nhận được hơi thở của thời gian. Mọi thứ cứ cuốn đi, công việc, gia đình, bạn bè, đam mê sở thích … Biết có ai còn nhớ đến cuộc sống ngày trước khi những thế hệ đầu tiên đặt chân đến Algeria để bước vào một cuộc trường chinh tìm dầu cho Tổ quốc.
Có thể nỗi nhớ khác nhau, cách nhớ cũng khác nhau cho từng giai đoạn ở mỗi một cá nhân nhưng chắc chắn một điều đó là những năm-tháng-không-thể-nào-quên đối với mỗi con người trong may mắn đời mình được một lần tham gia dự án tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Cuộc sống nếu nhìn theo chiều dọc suốt hơn 13 năm của cuộc trường chinh lịch sử của PVEP tại Algeria, sẽ chỉ thấy nhiều màu vàng của cát và màu xanh của bầu trời Địa Trung Hải , có phần đơn điệu. Nhưng nếu chú ý quan sát theo chiều ngang, thậm chí có khả năng chia thành từng lát cắt, sẽ nhận đấy đó là những ngày tháng thân thương, đa sắc màu, thú vị và nhiều kỷ niệm.
Cá nhân tôi thường nhớ về cái màu xanh bàng bạc của loài cây tượng trưng cho vùng Địa Trung Hải, đó là màu xanh ô-liu. Cây không cao, cành không to, lá thuôn dài hệt như đôi mắt, mọc đối xứng nhau. Phía trên lá màu xanh hơi nhạt, phía sau lá còn nhạt hơn, gần ra màu xanh xám. Chính vì thế, nhìn từ xa những cây ô-liu không bao giờ cho một vẻ tươi mới mà lúc nào cũng bàng bạc bụi đường, cô quạnh tỏa bóng trên võ vàng cỏ úa của núi đồi và thảo nguyên. Cành ô-liu là biểu tượng của hòa bình, thường được cài trên tóc của những chiến binh La Mã. Sức sống của ô-liu là ghê gớm, ở nơi nào trên mảnh đất này cũng có sự hiện diện của nó dù có khô cằn sỏi đá đến đâu.
Có lần tôi đã cố gắng mang được hai cây về trồng, ươm trong chậu sống được hơn một năm rồi nhưng đến khi đánh ra vườn thì chết. Tiếc quá, nhiều khi chỉ thèm nhìn cái màu xanh đặc biệt ấy.
Thổ nhưỡng là quan trọng, cái cây cũng như con người, sinh ra và lớn lên chỉ thuộc về một nơi nào đó, vĩnh viễn. Nếu như số phận bắt họ phải lìa xa chốn đó, rồi cũng đến một ngày, không phần vật chất thì phần tinh thần (hoặc cả hai), họ sẽ được đoàn viên.
Tôi cũng tin hai cái cây ô-liu của tôi đã mang về sau khi hóa kiếp, chúng sẽ lại biến thành những ngọn gió lang thang để trở về bay lượn trên những rặng đồi El Biar hay nô đùa cùng biển xanh cát trắng Địa Trung Hải, vờn mái tóc vàng của các thiếu nữ Béc-be .
Mười năm ký ức trong tôi không khi nào phai nhạt như màu xanh vĩnh cửu ấy. Có chăng, khi thời gian qua có làm vương trên tóc ai những sợi bạc, vương trên trán ai những nếp nhăn thì những mảnh ký ức kia cũng không còn xanh non tươi mới như ngày nào. Nó đã bạc màu như màu áo trên vai. Không ngờ, chính cái màu xanh ký ức đó lại là cái màu tôi đang tìm kiếm, đang ngóng chờ, đang khao khát nhìn thấy trước mắt khi viết về những năm tháng ở Algeria.
Vì vậy, với những ghi chép có phần lộn xộn này, dù đúng dù sai cũng mong ai đó niệm tình tha thứ. Biển cả là của tự nhiên. Dự án là của con người, không thuộc về riêng ai cả. Chỉ có những ký ức được xác tín trên thân phận con người, trải qua nhiều nụ cười và những giọt nước mắt, đó mới là sở hữu cá nhân.
Vì thế, cho phép tôi được gọi chúng là những ký ức xanh màu ô-liu.
Những thế hệ gạo cội đã đi qua và dần lui bóng vào quá khứ. Hiện tại và tương lai đang chờ đón tất cả. Cuộc hành trình trên xứ sở sa mạc sẽ còn tiếp tục trong vài chục năm nữa, cuối cuộc hành trình sẽ còn lại những ai? Với thế hệ chúng tôi, tiếp nối cha anh, lúc đó cùng đã lui bóng vào quá khứ. Sẽ chỉ còn những câu chuyện kể về một thời chúng tôi đã sống, đã làm việc, đã sinh hoạt, đã chia sẻ, đã yêu thương nhau trong một tập thể vài chục con người, ở một dự án trọng điểm hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam, dự án đầu tiên ở nước ngoài.
Và hạnh phúc làm sao, ít nhiều nó cũng đã thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ.
KHOẢNH KHẮC LỊCH SỬ
Ngày 12/8/2015, khi đang ngồi làm việc ở Văn phòng Đại diện PVEP Overseas tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, tôi bất ngờ nhận được email từ Tổng Giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải (lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc Thường trực). Trong email anh viết : Xin trân trọng thông báo tới các đồng chí Lãnh đạo và toàn thể các anh chị em đồng nghiệp một tin rất rất vui sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi: Đúng vào 11:10 AM ngày 12/08/2015 giờ Algeria (17:10 PM giờ VN), Hệ thống Xử lý Trung tâm (CPF) Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) Lô 433a-416b, Algeria của Nhà Điều hành GBRS đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của 4 giếng khai thác đầu tiên (BRS-6bis, BRS-9, BRS-12 và BRS-14) và ngọn lửa Flare đã chính thức rực cháy trên Samạc Sahara - Algeria.
Đọc đến đó, mắt tôi bỗng nhòa đi còn trái tim thì quặn lên một niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Cảm xúc khi viết những dòng này cũng vẫn thế, dù tính thời sự không còn nhưng khi nhớ lại mắt vẫn cay cay. Tôi đã ngồi đọc trọn vẹn lá thư của anh Hải trong một cảm xúc lâng lâng, nước mắt cứ chảy ra không gì ngăn lại được vì dòng thác ký ức ùa về bất ngờ và dữ dội. Bức thư kèm theo 3 tấm hình: hình ảnh ngọn lửa trên đuốc flare, hình ảnh sa mạc Sahara lúc hoàng hôn buông xuống và hình ảnh hệ thống xử lý trung tâm (CBF) của mỏ Bir Seba. Đó đều là những hình ảnh quen thuộc trên sa mạc lửa Sahara, có điều đây là những hình ảnh chụp tại mỏ Bir Seba, nơi ghi dấu lần đầu tiên cuộc trường chinh tìm dầu của những người dầu khí Việt Nam trên nước bạn đã đi đến đích. Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ mốc son ngày 12/8/2015 khi có First Oil (FO) của mỏ Bir Seba cũng như đã ghi nhớ thời điểm 12/7/2003, ngày những người dầu khí Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên Algeria để chính thức triển khai dự án sau khi hợp đồng được ký.
Những ký ức lần hồi trở lại như một cuộn phim âm bản, tái hiện dần một cách có lớp lang cuộc trường chinh hơn 13 năm của những người dầu khí Việt Nam, để có thành công ngày hôm nay, họ đã phải vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí có những lúc tưởng chừng bế tắc. Và những tháng ngày đó cũng không phải toàn là tháng ngày vui, như cuộc sống vậy, có nhiều chuyện buồn đã xảy ra, thậm chí, một số người còn không bao giờ trở lại.
Biết bắt đầu những câu chuyện tâm sự từ đâu?
Nói về ai đầu tiên?
Kể cũng không đơn giản.
Thôi thì, xin phép hãy để cho trái tim dẫn dắt lối đi về.