DỰ ÁN ĐẦU TIÊN
Dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria là dự án đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam tại nước ngoài, tức bên ngoài lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam, không những thế còn ở tít tận bên châu Phi xa xôi vạn dặm.
Tên đầy đủ là dự án liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 433a và 416b, Toughout, được ký kết hợp đồng ngày 10/7/2002 giữa Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC – tiền thân của PVEP) và Công ty dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) theo tỷ lệ Việt Nam 75% và Algeria 25%. Người đã thay mặt cho PIDC (theo ủy quyền của PVN) ký hợp đồng là chú Lê Văn Trương , lúc đó là Phó Giám đốc PIDC.
Ở buổi bình minh dự án chỉ có sự hợp tác của PVEP và Sonatrach, sau đó có thêm sự hiện diện của PTTEP, lúc này PVEP vẫn tiếp tục giữ vai trò Nhà Điều hành cùng với PTTEP (Thái Lan – 35%) và Sonatrach (Algeria – 25%). Tùy theo từng giai đoạn mà thành phần các bên tham gia điều hành khác nhau nhưng tại đơn vị điều hành (PIDC/PVEP-Algeria hay sau này là GBRS) luôn có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều nước trên thế giới và nhân viên địa phương.
Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà thầu tham gia thi công dự án (trong đó có nhiều công ty của PVN như PVD, PTSC, PVI) cũng đóng góp một số lượng đáng kể khiến nhân lực làm việc tại dự án (cả trực tiếp và gián tiếp) có thời điểm lên tới cả ngàn người.
Tháng 4-2005 là một mốc có ý nghĩa đặc biệt đối với Dự án, đó là giếng khoan thứ hai (BRS-6) trên sa mạc thành công. Tám tháng sau đó, tháng 12-2005, mũi khoan thứ 3 (BRS-6bis) đã mang lại kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi, cho dòng dầu rất khả quan. Trong bức thư gửi dịp Tết Bính Tuất (2006) Giám đốc PIDC Đỗ Văn Hậu đã khen ngợi và đánh giá cao những nỗ lực và thành công của giếng khoan cũng như chúc toàn thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên dự án đón một mùa xuân trọn vẹn, tiếp tục gặt hái những thành công mới. Bức ảnh Giám đốc dự án Nguyễn Quốc Thập cùng anh em cười tươi bên ngọn lửa thử vỉa sáng bừng sa mạc đã đi vào lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản.
Thực tế tại dự án, giai đoạn thăm dò thẩm lượng kéo dài tới 5 năm ở cả 3 cấu tạo Bir Seba, MOM và BAT . Mãi tới cuối 2008, các báo cáo phát hiện cuối cùng (FDR) và báo cáo đầu tư của mỏ Bir Seba (sau đó là mỏ MOM) mới được nước chủ nhà và các bên phê duyệt cho tiến hành công tác phát triển khai thác.
Ngày 10/02/2009 thỏa thuận về việc thành lập Liên doanh điều hành chung Bir Seba (GBRS) đã được ký kết giữa các bên tham gia (trên cơ sở đó ngày 13/12/2009 đã hoàn thành đăng ký kinh doanh cho GBRS) với tổng số vốn đầu tư 1,26 tỷ USD. Đó là một quyết định mang tính lịch sử vì thể hiện được sự ủng hộ chính thức của nước chủ nhà cho công tác phát triển mỏ Bir Seba và mỏ MOM để đưa vào khai thác với trữ lượng dầu thu hồi ước tính 175 triệu thùng.
Có thể nói, bằng việc GBRS ra đời, dự án đã chính thức thành công. Đây không chỉ là thành công của PVEP mà đồng thời cũng là thành công của ngành dầu khí Việt Nam ở dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.
Giai đoạn sau này (từ 2013) khi tiến hành khoan và thử vỉa để phát triển mỏ Bir Seba, một số giếng khoan đã cho những kết quả rất tốt (ví dụ giếng BRS-21), điều này đã giúp cho PVEP có cơ sở xem xét và điều chỉnh trữ lượng mỏ cũng như gia tăng trữ lượng thu hồi (hiện tại ước tính trữ lượng tại chỗ là 1 tỷ thùng, trữ lượng thu hồi 260 triệu thùng dầu).
NHỮNG CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN
Để có được những thành công ngày hôm nay không thể quên được những khó khăn gian khổ trong giai đoạn đầu triển khai dự án trên đất Algeria và dấu ấn của những người Giám đốc Dự án, những vị "thuyền trưởng" trong chiến hạm đầu tiên vượt biển ra khơi của ngành dầu khí Việt Nam.
Ở thời điểm đó (2003), cơ chế đầu tư ra nước ngoài của Nhà nước, các quy trình, quy chế của PVN/PVEP cho hoạt động đầu tư nước ngoài còn chưa đồng bộ. Việc triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn bên cạnh chế độ chính sách cho cán bộ đi làm việc dự án nước ngoài còn nhiều bất cập.
Có thể kể đến những khó khăn trong chuyển tiền ra nước ngoài, lương không hấp dẫn so với mặt bằng chung, chế độ đi lại 3 tháng về 2 tuần (12ON/2OFF), điều kiện sinh hoạt, làm việc thiếu thốn, khác biệt về văn hóa tôn giáo, an ninh không đảm bảo vì Algeria vừa trải qua nội chiến, … Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền cả trong và ngoài nước, anh em vẫn một lòng đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại vì mục tiêu nhiệm vụ chính trị được giao.
Cho đến tận bây giờ khi nghĩ lại những ngày tháng ấy, đánh giá chung của đa số anh em là “Vô cùng khó khăn, vô cùng vất vả!” và sau đó là những ánh mắt lấp lánh không che dấu được sự tự hào.
Nếu một lần nào đó bạn được đến với đất nước Algeria, tới thăm dự án giữa Sahara trùng trùng cát trắng, bạn có thể tự mình cảm nhận được điều đó. Sự khó khăn có thể đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, môi trường xã hội, điều kiện sống, … còn nỗi vất vả thì lại chủ yếu đến từ những trăn trở suy tư các cơ hội tồn tại và phát triển, làm thế nào để thực hiện được những chủ trương của Tập đoàn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho, đưa dự án đi đến thành công.
Không ai hiểu chính xác những khó khăn vất vả này hơn anh Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng Giám đốc Thường trực PVN – người « thuyền trưởng » đầu tiên chỉ đạo công tác thực địa trong giai đoạn Thăm dò thứ nhất (2003 – 2005), trực tiếp điều hành thi công các chiến dịch thu nổ địa chấn và chiến dịch khoan thành công, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho dự án.
Có lần nói chuyện với anh em mới sang dự án, ngoài việc khắt khe yêu cầu từng cá nhân phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, anh động viên khuyến khích anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ để vừa hỗ trợ thêm công việc vừa có thể giao tiếp với người bản xứ, để có được những người bạn mà qua đó có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của nước bạn, một điều anh cho là “may mắn” mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua. Bên cạnh đó, anh quán triệt cho chúng tôi những người Việt Nam lần đầu sang nước ngoài làm việc là “các em chính là đại diện của Việt Nam, mỗi người cần thể hiện bản thân mình trước cộng đồng bản xứ như một đại sứ, đa phần họ không biết người Việt Nam như thế nào cả nhưng qua các em, qua thái độ và hành vi của các em mà họ sẽ hiểu về người Việt Nam”.
Anh nhấn mạnh cụm từ “người Việt Nam” khiến tất cả chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Chúng tôi hiểu chứ, nước Việt Nam từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 thì người dân mới có danh xưng là “người Việt Nam”, để có được sự tự hào đó thì biết bao thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam và Algeria có sự tương đồng trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ thứ 20. Đều là thuộc địa của đế quốc Pháp, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, sự thôi thúc trong cội nguồn các dân tộc bị áp bức đã bùng nổ lên những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Việt Nam là ngọn cờ đầu trong phong trào giành độc lập của các nước thuộc địa với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ảnh hưởng tới Algeria trong việc thành lập Mặt trận Giải phóng Quốc gia năm 1954 và đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1962. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ là những cái tên Việt Nam mà người Algeria vô cùng ngưỡng mộ.
Anh không nói nhưng chúng tôi hiểu rằng hãy làm người Việt Nam để xứng đáng với hình ảnh Việt Nam đã có trong lòng người dân Algeria.
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các cấp nhưng cho đến thời điểm này (2016) dự án Algeria vẫn được anh Thập quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Ở anh luôn có một tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, quyết liệt trong công việc nhưng gần gũi thân mật với anh em trong đời sống.
Tôi chứng kiến nhiều lần anh sang họp Ủy ban Quản lý (MCM), lần nào đến văn phòng anh cũng đi một vòng để thăm hỏi và bắt tay mọi người, không kể là cán bộ biệt phái Việt Nam, chuyên gia nước ngoài hay nhân viên địa phương. Được nắm bàn tay của người chỉ huy cao nhất thời điểm đó như truyền hơi ấm cho chúng tôi bước tiếp những chặng đường.
Trong lúc nói chuyện, ngoài việc chuyên môn, anh cũng quan tâm tới cộng đồng Việt Nam tại Algeria, ai còn ai mất, ai hết nhiệm kỳ. Nhắc những kỷ niệm xưa thời sơ khai (2003) phải nấu ăn ở khách sạn Hilton hay tạm trú trong Đại sứ quán, anh không khỏi bồi hồi. Ít nhất, bản thân anh cũng đã từng có gần 2 năm sống đời dự án nơi đây, xa gia đình, xa Tổ quốc, xa bạn bè. Chỉ còn có đồng đội chính là những người đồng nghiệp, có người đáng tuổi con, tuổi cháu anh, họ đã chia sẻ cùng anh những gì thiếu hụt để sau này, khi dự án đã sang trang, nhiều thế hệ mới đã tiếp nối giữ ngọn cờ dự án, anh đã tập hợp anh em ở Việt Nam (sau khi kết thúc nhiệm vụ ở dự án) để thành lập Hội Dầu khí Algeria vào năm 2011. Với thành phần là các cựu cán bộ (CCB – anh em hay đọc chệch là Cựu Chiến Binh) của PVEP Algeria từ thời sơ khởi thành lập đề án (trước khi đấu thầu quốc tế năm 2002), Hội đã quy tụ được nhiều gương mặt lão làng của ngành Dầu khí Việt Nam, từ các anh đã nghỉ hưu như anh Đỗ Văn Hậu, Lê Văn Trương, Nguyễn Mạnh Huyền , Nguyễn Văn Giáp , Lâm Văn Lanh … cho đến các anh tuổi "ngấp nghé" như anh Lê Tuấn Việt , Nguyễn Quốc Thắng , Nguyễn Văn Cư . Hội có Chủ tịch Danh dự (chính là anh Nguyễn Quốc Thập), có Ban Liên lạc, có Điều lệ, có chức năng và hoạt động cụ thể, hiện đang phát huy tích cực vai trò của mình đối với các cựu thành viên của PVEP Algeria năm xưa.
Những buổi gặp thường niên vào ngày 12/7 hay Tết Âm lịch ở cả hai miền Nam Bắc, dù bận đến mấy anh Thập đều có mặt. Tại đây các thành viên của Hội dù tóc bạc hay đầu xanh vẫn như chung một nhịp đập của dự án Algeria, bên cạnh việc quan tâm tới tình hình dự án, họ vẫn hồn nhiên chia sẻ với nhau những kỷ niệm, những kinh nghiệm, những bài học, những kiến thức, vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Đã bước sang năm thứ 6 kể từ ngày thành lập, số hội viên ngày một đông thêm, thành công này không thể có nếu không có dấu ấn của người thuyền trưởng đầu tiên Nguyễn Quốc Thập.