Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa
  • Viết cho Hà Tây

    Reporter: Kẻ lang thang
    Published: Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    A- A+
    Và Hà Tây đúng là đã như thế, bị cục tẩy thời gian xóa dần, xóa dần, và đầu chì Hà Nội khoan thai cứ thế mà viết chèn lên trang giấy còn mờ mờ dấu chữ cũ. 


    Một góc Hà Tây cũ. (Ảnh: Internet)
    Cách đây đúng 10 năm, Hà Tây thuộc về Hà Nội sau một quyết định của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã bỏ phiếu đồng ý với tỷ lệ 93%. 

    Từ 1/8/2008, Hà Tây không còn tên trên bản đồ Việt Nam. 

    Trước sự kiện này, nhà giáo Phạm Việt Long người Thường Tín đã phải đau đớn kêu lên: 

    Than ôi! 
    Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây! 
    Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội. (Điếu Hà Tây tỉnh) 

    Nhớ ngày đó khi đi làm giấy khai sinh cho Lâm, trên giấy chứng sinh đề ngày 16/7/2008 có ghi rõ “nguyên quán Hà Tây” nên đi ra phường, gặp chị Hà chuyên khai sinh khai tử, nói em kê khai theo quê cũ chị đừng có sửa nhé. 

    Chị ấy bẩu: Yên tâm, chị cũng dân Hà Đông. Với lại giờ cũng chưa có hướng dẫn gì nên cứ khai như cũ đi em. 

    Hẹn tuần sau ra lấy. 

    Đúng hẹn ra Phường, lấy phong bì ghi tên cầm về nhà, mở ra nhìn vào mục nguyên quán xã với huyện thì đúng rồi, nhưng mục tỉnh thành rành rành hai chữ Hà Nội. Nhẽ đâu nhầm lẫn gì chăng? 

    Điện ra Phường hỏi lại thì chị Thủy học cùng trường trên 1 khóa nhà ngõ Yên Thế đang trực tổng đài nói đúng rồi Sơn ơi. Văn bản hướng dẫn có rồi, từ sau 1/8 là Hà Tây thành Hà Nội hết. Mà cháu thành người Hà Nội, sướng thế còn gì. Buông máy mà thấy buồn. 

    Thế là ước mong con trai được giữ cái tên Hà Tây trên khai sinh lý lịch đã không thành hiện thực. Bố mẹ một quê con một quê. 10 năm đã đi qua. 

    Hùng Lâm người Hà Nội đã chuẩn bị vào lớp 5, cao hơn 1m4 và nặng hơn 30kg, người dong dỏng giống người Hà Tây, vêu vao đen nhẻm, không còn trắng như lúc mới sinh. Thi thoảng Lâm được về quê nội ngoại chơi, giờ gọi ngắn là Hà Nội 2 để phân biệt với Hà Nội 1. 

    Ra vùng ngoại ô thấy gì cũng lạ, thích cào cào châu chấu dế mèn hơn cả lego điện tử hoạt hình, kêu chán ở thành phố đòi về quê ở. Nhưng mà Lâm cũng thấy quê còn nghèo, vẫn đường đất cỏ dại um tùm, trẻ con chân trần lăn lê đất cát, người lớn lam lũ khó nhọc mưu sinh. 

    Ở được một hai hôm Lâm lại đòi ra Hà Nội. Lắm lúc nói đùa bảo nghịch thế thì bố cho về quê học, Lâm giẫy nẩy lên nói không, con học ở Đoàn Thị Điểm. 

    Bố không phải là nhà nghiên cứu kinh tế xã hội để có thể đưa ra các tổng kết đánh giá quyết định 10 năm trước là đúng hay không nhưng chỉ biết một điều là cơ bản không có nhiều thay đổi. Cái người dân được thì cũng bình thường nếu so với các đô thị lân cận thủ đô như Vĩnh Phúc hay Hưng Yên. 

    Họ được một cái tên nghìn năm nhưng xa lạ. Họ mất đi cái tên ngắn ngủi nhưng thân thương được ghép từ Sơn Tây và Hà Đông đã đi vào lịch sử. Biết làm sao, mọi sự đã xảy ra rồi. Lâu không ngồi với bác Tuấn Hà Đông, không biết anh đã đổi tên thành Tuấn “Hà Nội” chưa? 

    Cũng lâu rồi không được nghe nhạc hiệu của Đài Hà Tây với bài “Hà Tây quê lụa” do Quốc Hương hát. Đài đã không còn thì lấy đâu ra nhạc hiệu. 

    Bố đã đọc những dòng ăm ắp cảm xúc của một cô bé Hà Tây trạc tuổi Lâm bây giờ mà thấy lòng thật ngổn ngang đồng cảm: “… Một sáng nọ vào năm 2008, tôi chẳng còn nhớ hôm đó thời tiết thế nào, học hành ra sao, chỉ nhớ mỗi một con bé “tôi” mặt mũi sưng vù bước vào giữa một lớp học hơn bốn chục học sinh xúng sính khăn quàng đều hân hoan nói nói cười cười. “Từ hôm nay chúng mình đã thành học sinh Thủ đô rồi đấy”. 

    Tôi làm thế nào vui được, khi tất cả những gì trong đầu tôi lúc ấy chỉ là nơi mình sinh ra và lớn lên đã bị xóa tên hoàn toàn khỏi bản đồ Tổ quốc? Tâm hồn một con nhóc non nớt bốc đồng khi ấy có lẽ cũng không khác mấy với những dân tộc bị xâm lăng, bị phủ nhận quyền độc lập. 

    Chỉ là vấn đề thực ra chẳng to tát đến vậy mà cảm tưởng chẳng có ai buồn bực trừ tôi, nên đứa trẻ “tôi” mới chớm chục tuổi đầu bèn ôm nỗi buồn một mình, âm ỉ. Và Hà Tây đúng là đã như thế, bị cục tẩy thời gian xóa dần, xóa dần, và đầu chì Hà Nội khoan thai cứ thế mà viết chèn lên trang giấy còn mờ mờ dấu chữ cũ. 

    Cô giáo cấp hai trên lớp vẫn luôn miệng dặn “dấu ngoặc đơn có tác dụng đánh dấu phần chú thích như giải thích, thuyết minh hoặc bổ sung thêm”. Tôi ngao ngán nhìn vào dòng chữ trong sách, và đau xót lại trào dâng. 

    Mỗi lần viết địa chỉ lên phong bì thư xinh xắn dán tem lại luôn phải dùng cái thứ dấu “bổ sung” ấy để nhắc người ta biết đến cái tên “Hà Tây” cũ kỹ kia giờ đang được chung một nóc nhà với Thủ đô chứ không phải đã chết lụi ở một nơi xa xôi nào đó”. 

    Sự khí khái ngang tàng tuôn ra từ ngòi bút, dẫu nóng nẩy mà thâm trầm sâu cay, nội lực ấy chỉ có ở khí chất Hà Tây. Vẫn là lời cô bé đó, xin dẫn tiếp để như một nén tâm nhang cho cuộc giỗ 10 năm. 

    “Tôi dần học cách mang tên “người Hà Nội”, như cái cách hai chữ “Hà Nội” đã tồn tại một cách rất đương nhiên trong hết thảy giấy tờ của bản thân từ chục năm trước. 

    Tôi cũng học được cách trưởng thành, giống như Hà Tây vốn chẳng mất đi, chỉ là góp cùng Hà Nội hướng tới một sự trưởng thành khác. Thế nhưng, nỗi buồn thì chắc mãi chẳng làm sao xóa nhòa được. 

    Cục tẩy có bôi kỹ đến đâu, dòng chữ mới có đậm chì thế nào, thì những vết mờ vẫn còn đó, như nhắc người ta đừng quên những nền móng xưa cũ. Nên đứa trẻ “tôi” giờ đã gần hai chục tuổi đầu vẫn bèn ôm nỗi buồn một mình, âm ỉ. 

    Còn lụa của quá khứ thì cứ dịu dàng mà bao bọc lấy nỗi buồn ấy, êm ái như đôi câu ca: Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa … 

    Dệt gọn trong tâm, và đan gọn trong lòng.”

    Sài Gòn 31/7/2018

    Subjects: