Hãy cố hàng ngày chọn những niềm vui để mang đến cho nhau vì đời vốn dĩ đã tràn ngập nỗi buồn và cực nhọc.
Đêm không ngủ được vì ly cà phê trót uống cuối buổi chiều. Ngồi dậy châm điếu thuốc, thấy lòng rung lên câu hát như vọng về từ cõi nào xa lắm, lâu lắm, và thấm thía lắm.
“Có ai đang về giữa đêm khuya, rượu tàn phai dưới chân ơ hờ, vòng tay quen hơi băng gió … ngày đi đêm tới, nghe những tàn phai”. Có phải đời mình cũng đang tàn phai theo năm tháng?
Như quy luật muôn đời từ khởi sinh đến hủy diệt vạn vật đều phải đi qua những tàn phai dù thực tế hay có sự kết thúc vào lúc huy hoàng nhất.
Xuân Diệu cũng từng viết về cái quy luật khắc nghiệt này bằng những lời chan chứa như sau:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Cơn gió xinh thì thào trong gió biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
Chẳng bao giờ, ôi, chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm (Vội vàng)
Trịnh quá tinh tế và thẩm thấu hơn người khi không chỉ nhìn thấy mà ông còn nghe thấy những tàn phai. Đã nghe thấy thì hẳn phải có âm thanh, đó là những âm thanh gì hay chỉ trong chiều kích tâm tưởng riêng của nghệ sĩ như ông mới cảm nhận được?
Tôi ngờ rằng Trịnh đùa dai thôi chứ chẳng có gì thần thánh cả. Hiện tại chính là sự tàn phai. Lắng nghe hiện tại chính là đang lắng nghe những tàn phai. Và tất cả những thanh âm của cuộc sống đều chứa đựng trong nó những nỗi niềm phản ảnh thực tại nó mang theo.
Đó có thể là leng keng ly tách va nhau bên bàn bia sóng sánh, là văng tục chửi thề ở tăm tối gầm cầu, là gắt gỏng chanh chua nơi chợ chiều nhạt nắng, là guốc gõ nhịp trưa ở hoang vắng Tao Đàn.
Đôi lúc sâu hơn, tàn phai mang âm hưởng của một tiếng thở dài trong cô quạnh. Bàn ghế trống không và quán trống không. Cái ly trước mặt cũng trống không. Chỉ có gạt tàn đầy mẩu. Bàn tay hư hao rảnh rỗi tự vuốt ve bản thân, chạm vào râu tóc, nhăn nheo da dẻ và loang lổ đồi mồi.
Xung quanh nào đâu có ai, chỉ thoáng thấy mình trong đáy cốc với những trầm tư của tuổi 40. Đó là lúc mà bạn có thể cảm nhận tàn phai bằng đủ ngũ quan của mình. Thậm chí, bạn ước sao mình có thể dừng ngay lúc đó.
Nghỉ ngơi trên võng giữa trưa hè, nghe gió thổi và nắng hôn lên môi, mắt nhắm và đi vào miền xa thẳm. Đó là cảm giác nhập Niết bàn của những kẻ lang thang, vụng tu nghèo kiết xác. Một giấc ngủ để quên đi tất cả dưới trần thế này dù ngắn ngủi nhưng cũng mang trong mình ý nghĩa thiên thu.
Lại nhớ có buổi chiều, ồ hay thật, đúng buổi chiều như trong bài “Nghe những tàn phai” có em đi ra phố về và quan sát cuộc sống xung quanh rồi đến đêm nằm nghe tình ca, bần thần suy ngẫm về đời sống.
Dọc đường CMT8 thấy có chiếc xe tải nhỏ chở trên lưng lỉnh kỉnh đồ đạc của điển hình một cuộc di cư trong thành phố. Đó hẳn là một gia đình nhỏ, thậm chí có thể là độc thân vì đồ đạc đơn giản và loại nào cũng chỉ có một chiếc.
Một tủ lạnh, một quạt cây, một nồi cơm điện, một tủ nhựa đựng quần áo, một giá để chén đĩa, một xô nhựa, một giỏ đựng quần áo, mấy cái ghế nhựa, chục cái mắc áo … Cuộc di cư diễn ra trong thành phố trên một chuyến xe tuy không có người nhưng lại tràn ngập bóng dáng của con người.
Trịnh viết “chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe” còn tôi thì ra phố và thấy những chuyến xe chuyên chở những cuộc đời. Có lẽ, sẽ đơn giản và thuận tiện hơn nhiều khi cuộc đời mình được hỗ trợ bởi các phương tiện nhưng, sẽ ra sao khi chính bản thân mình phải làm phương tiện để chuyên chở và chắp cánh cho những cuộc đời khác.
Nếu đó không phải những giá trị mà có thể sẵn sàng hy sinh bản thân thì lại còn khó khăn hơn nữa. Vì khi ấy ta phải làm những việc mà bản thân không muốn làm, nhưng vẫn phải làm, để kiếm sống.
Nghe mâu thuẫn nhưng như thế mới chính là cuộc đời. Vì vậy hãy cố hàng ngày chọn những niềm vui để mang đến cho nhau vì đời vốn dĩ đã tràn ngập nỗi buồn và cực nhọc.
Vì lúc nào cũng thế, "ngày đi .. đêm xuống ... nghe những tàn phai ...".
Sài Gòn 14/8/2018