Rồi chị mất, tôi khủng hoảng một thời gian. Em thì tự lập, luôn luôn tự lập chí khí hơn người nên cũng không để ai phải lo cho em từ học hành, công việc đến tình yêu sau này.
Ảnh minh họa. |
Bố mẹ sinh em với mong muốn gỡ hòa tỷ số, hóa ra không được. Cái tâm lý này có từ thời ông bà nội, sinh bác thứ tư con trai đặt tên là Hòa vì trên đã có 2 chị và 1 anh.
Thừa thắng xông lên thì lại là một bác gái, nên đến bố tôi tỷ số được cân bằng một lần nữa, ông bà đặt tên là Huề. Cũng hàm ý là cân bằng, kết thúc trận đấu ở đó.
Em được cả nhà yêu quý chăm sóc, bà ngoại ra chăm em suốt thủa lọt lòng đến khi vào lớp 1, không phải đi mẫu giáo một ngày nào.
Bố mẹ thì đi làm cả ngày khó khăn vất vả, mấy chị em ngan ngỗng cứ lớn phổng lên, có thời cả khu gọi em là Linh Phổng. Học hành chịu khó lại tư chất giỏi giang nên em luôn làm bố mẹ tự hào thời đi học.
Đến khi em vào Đại học, bố mẹ nghỉ hưu. Chi Nga cứ dặn tôi: Sau này em phải lo cho cái Linh, lúc nó học hành ra rồi còn chuyện chồng con.
Rồi chị mất, tôi khủng hoảng một thời gian. Em thì tự lập, luôn luôn tự lập chí khí hơn người nên cũng không để ai phải lo cho em từ học hành, công việc đến tình yêu sau này.
Ngoan ngoãn lại chịu thương chịu khó nên em luôn đạt được những thành tựu mà một người anh như tôi chỉ biết đứng nhìn từ xa, lòng thầm tự hào về em.
Đến bây giờ khi em đã là một người phụ nữ trưởng thành với một gia đình hạnh phúc, tôi vẫn thấy em luôn trăn trở suy nghĩ và hành động, tìm cách để cải tạo thế giới của em theo chiều hướng tốt lên, đôi khi cũng trở thành khe khắt.
Mặc dù vậy, cô bé với đôi mắt một mí ngày nào, phổng phao cầm thước kẻ trong vai trò trưởng lớp vẫn ở trong trí óc tôi khi đứng ngoài cửa sổ mà quan sát khi em vào lớp 1.
Anh vẫn ở đây và thầm chúc cho em luôn mạnh khỏe, vui tươi để chăm sóc cho gia đình nhỏ bé của em luôn ấm áp. Dù gì, với tỷ số 2-0 hiện có và sắp tới là 3-0, em cũng đã hơn ông bà nội với bố mẹ rồi.
Sài gòn ngày mây thấp.