Những bông hoa nở trên miền cằn cỗi, đó là vẻ đẹp rực rỡ nhất và bí ẩn nhất của tạo hóa

Browsing "Older Posts"

  • Đầm Lập An

    By Kẻ lang thang → Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

    Nằm dưới chân đèo Hải Vân phía Lăng Cô là đầm Lập An, thủ phủ của hàu sữa và các loại thủy sản nổi tiếng như vẹm xanh, sò điệp, ốc nón ... Nếu chỉ chạy theo đường quốc lộ số 1 ngắm vài resort chiếm lĩnh mặt tiền phía biển, mua chục chai dầu tràm, thăm cảng thì đơn điệu và lãng phí. Hãy đi một vòng quanh đầm Lập An để khám phá một thế giới đầy màu sắc tựa như một thiên đường cho những kẻ lang thang.

     Nhà ngư dân 

    Con suối cạn và đàn vịt

    Công cụ nuôi hàu sữa (lốp xe)

    Đỉnh núi đá đen

    Đường ven đập

    Đồi tràm

  • Đà Lạt trong lòng người xa xứ

    By Kẻ lang thang → Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

    Đà Lạt xưa kia giống như một thiếu nữ tuổi xuân thì, dáng đài các, đã từng làm xiêu lòng biết bao nhiêu là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và cả nhiếp ảnh gia nữa… Thật quyến rũ. Thật đắm say. Đà Lạt là cả một thiên đường của kỷ niệm, của hạnh phúc. Biết bao nhiêu người đã dàn trải nỗi lòng nhung nhớ về thành phố này thành những dòng hồi ký, những lời tình tự, những vần thơ lai láng, những âm thanh, điệu nhạc thánh thót, trữ tình hay những bức tranh vẽ, những tấm ảnh chụp rất nghệ thuật… Mỗi người một vẻ… Quả thật Đà Lạt mãi mãi in đậm nét trong lòng người, nhất là những người đang sống một cuộc đời xa xứ.


    Một bài viết năm 1959 đã nói: “Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin thẫm nâu, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành. Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.” (Khánh Giang)

    Sau 1975 có người cũng từng giãi bày tâm sự: “Cái thành phố đó nếu bạn đến một lần là sẽ nhớ mãi. Ðến rồi không muốn rời đi. Ði rồi lại muốn trở lại. Nhưng đó là Ðà Lạt của 40 năm về trước, một Ðà Lạt hiền lành như ngô khoai, trong sạch đẹp đẽ thơm như hoa hồng nhung, ngọt ngào như chuối La Ba và thủy chung như những hàng thông.” (Khánh Ly)

    Thương nhớ Đà Lạt vô vàn nhưng có người đã phải u buồn mà kết luận: “Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối mà con người có thể mưu cầu được cho mình, phải chăng với người dân Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt ngày xưa đã là một thiên đường đánh mất?” (Vi Khuê) 

    Chắc không hẵn vậy phải không các bạn, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ sự thanh khiết của vùng đất này.

    Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ, dàn trải cả trên đồi cao lẫn dưới lũng thấp. Chập chùng giữa núi xanh rừng thẳm. Lững lờ trên mặt suối trong hồ lặng. Cuồn cuộn theo thác gieo nước bạc. Thấp thoáng trong mưa giăng sương phủ. E ấp phủ khắp hoa đồng cỏ nội… Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống ở đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong một thời gian ngắn sẽ cảm nhận được rằng Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương sâu đậm và thiết tha… Tình với Đà Lạt Dấu Yêu bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bàu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời…

    Nỗi nhớ khôn nguôi, kể sao cho hết. Chất chồng biết bao kỷ niệm thân thương. Càng xa Đà Lạt lâu thời nỗi nhớ nhung lại càng đậm đà… Hết nhớ người, nhớ cảnh lại nhớ đến tình… Tình với Đà Lạt mãi mãi chung thủy. Luôn luôn trọn vẹn. Hòa nhập cùng với tình người, tình thiên nhiên vạn vật, tình quê hương đất nước... Dù cho “vật đổi” nhưng lòng người chẳng dời thay! Dù biết rằng Đà Lạt chỉ như một “quán trọ” ta tạm dừng chân trong dòng đời! Mà nghĩ cho cùng thời có lẽ cả cõi trần gian này cũng chỉ là một “quán trọ” trong vòng sinh tử luân hồi đấy mà thôi! Nhưng dễ ai mà đã “thoát tục” để xả đi mọi tình cảm, quên được những dấu ấn sâu đậm Đà Lạt xưa đã ghi khắc trong lòng người!

    Đà Lạt ơi! Dù ta không còn được sống trên mảnh đất Đà Lạt chăng nữa nhưng có một điều chắc chắn là Đà Lạt mãi mãi vẫn còn sống trong ta, trong trái tim bao người xa xứ!
  • Cái giọng Sài Gòn

    By Kẻ lang thang →
    Giọng Sài Gòn cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định… Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất… 

    Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. 

    Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế… Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào… mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa; không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt; giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. 

    Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ. Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng… Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu: “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười: “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói: “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên: “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái… 

    Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con?” – “Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc?” – “Dạ, con mới!”… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ… dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẵng hay. 

    Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “hổm nay”… người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó đẹp ghê” nghĩa là khen cô bé đó lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà. 

    Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó đẹp lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thúy, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thúy, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi. Giọng nói người Sài Gòn không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. 

    Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương… Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó: “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ: “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như: “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” 

    Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen”, “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. 

    Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu: “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi: “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong: “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “Cho” ở đây là mua đó nghen. 

    Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này: “Lấy cái tay ra coi!”; “Ngon làm thử coi!”; “Cho miếng coi!”; “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi: “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói: “Sao kỳ dzậy ta?”; “Sao rồi ta?”; “Được hông ta?”… Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà… hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà. 

    Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!” 

    (Hải Phan)
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 8)

    By Kẻ lang thang → Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019
    Những người Việt tại Algeria 

    Ở đất nước này ngoài anh em dầu khí ra còn có nhiều người mang quốc tịch Việt Nam, dù ít dù nhiều cũng có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dầu khí, nhất là vấn đề tinh thần. Và phải thú thực rằng, những ảnh hưởng đó hoàn toàn là tích cực nếu không nói rằng, thiếu vắng họ, không biết người dầu khí sẽ ra sao? 

    Cộng đồng người Việt Nam ở Algeria có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là thân nhân các gia đình có mẹ là người Việt sang Algeria từ sau năm 1954 (lấy chồng là lính Algeria tham chiến tại Điện Biên Phủ), nhóm thứ hai là các chuyên gia sang hỗ trợ Chính phủ Algeria trong giai đoạn 80-90 của thế kỷ trước và ở lại đây (cho đến khi nội chiến xảy ra thì hoạt động hỗ trợ này mới chấm dứt), nhóm thứ ba là các thành viên và gia đình thuộc khối các cơ quan ngoại giao Việt Nam thường trú tại Algeria. Sau này khi hoạt động xúc tiến thương mại nhiều lên thì có thêm nhóm thứ tư gồm các doanh nghiệp sang làm ăn tại Algeria. 

    Khi dự án bắt đầu triển khai hoạt động, địa điểm văn phòng chưa có, nơi đặt đại bản doanh đầu tiên là ở Đại sứ quán với diện tích rất khiêm tốn, các giường hầu như phải kê sát nhau, sinh hoạt đi chợ nấu ăn rửa bát tự phân công nhau thực hiện. Đó cũng là chuyện bình thường khi ra nước ngoài làm ăn của các doanh nghiệp vì chỗ dựa đầu tiên và an toàn nhất chính là Đại sứ quán Việt Nam. Những vị đại sứ thế hệ đó như đại sứ Huệ, đại sứ Dư, đại sứ Cương đã hết sức giúp đỡ và tạo điều kiện cho những người dầu khí làm tốt công việc của mình, khách quan vô tư vì bản thân các anh cũng hiểu đây không phải chuyện “chơi” như một đoàn khách thăm quan học tập kinh nghiệm hay tham gia hội chợ mà đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng được đích thân lãnh đạo Tập đoàn thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trước lúc lên đường. 

    Không chỉ giúp về chỗ ăn chỗ ở, bằng quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán đã có những hỗ trợ nhất định cho dự án ở những thời điểm khó khăn, cần những tác động cấp cao từ chính phủ hai nước. Những dịp các đoàn công tác sang là những lúc anh em dầu khí lại được sát cánh bên Đại sứ quán để cùng chuẩn bị đón tiếp, không ít lần Đại sứ quán đã kết hợp tổ chức đưa lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm văn phòng PVEP Algeria, đó thực sự là những kỷ niệm đáng tự hào, không thể nào quên. 

    Tranh cây ô liu của Van Gogh

    Những dịp Quốc khánh hay Tết Nguyên đán, dự án luôn có những anh em phải ở lại trực. Dù chỉ dăm ba ngày thôi và cũng còn bộn bề ngổn ngang công việc nhưng sau tất cả những ồn ào của máy móc thì khi trở về phòng, nhìn bếp ăn vắng vẻ, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt. Đó không chỉ là những nỗi nhớ quê hương gia đình và bạn bè trong ngày xuân sum họp, đó còn là sự chịu đựng hoàn cảnh và chút tủi hờn của những đứa trẻ trong hình hài những gã đàn ông. 

    Những lúc ấy chúng tôi luôn được quan tâm bởi những người Việt Nam trong cộng đồng, họ đã ở bên cạnh động viên, thăm hỏi, tổ chức các buổi giao lưu để khỏa lấp đi những nỗi niềm của chúng tôi và cũng là nỗi niềm của chính họ nữa. Có những thời điểm, tất cả chúng ta như hòa làm một chỉ để nghe dòng máu Việt chảy rần rật trong người mình, đó là lúc hát quốc ca và những lúc lặng im đứng trước khói hương bàn thờ Bác. Sau đó là những niềm vui và sự chia sẻ. Mùng một Đại sứ quán, mùng hai Quân vụ, mùng ba Dầu khí, mùng bốn Thông tấn xã, mùng năm Thương vụ, … cứ như thế chúng tôi đi cùng nhau vượt qua những ngày dài, chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh để cùng nhau thưởng thức những cái Tết tha hương. 

    Không thể nào không nhắc đến những người đã rất gắn bó với anh em dầu khí để chia sẻ về mặt tinh thần và có những hỗ trợ về mặt nghiệp vụ để kịp thời thông tin về dự án, giải quyết được những vấn đề có liên quan. Ở Đại sứ quán là các bác Huệ, bác Dư, bác Cương , bác Chứ, bác Hảo, bác Dũng, anh Thắng, anh Khuê, anh Dũng …, ở Quân vụ là chú Hòa cô Tuất, anh Bình chị Hương và cháu Lam, anh Thuận, anh Thắng chị Bình và các cháu Bo Nhím, … ở Thông tấn xã là chị Nga anh Cường, anh Tuyên, anh Chiến chị Trúc, vợ chồng Trí Quyên và các cháu Ali Alino, ở Thương vụ là các anh Cần, anh Mùi, ở Schlumberger có anh Vũ Thanh Phong (một phần vì công việc liên quan), ở Miliana có anh Hùng bác sĩ … 

    Khó mà kể hết những kỷ niệm và hoạt động đã có trong cộng đồng giai đoạn 2006-2010 nhưng đa phần chúng đều được lưu giữ trong những bộ nhớ để sau này mỗi khi gặp lại, những lúc hàn huyên chúng thường được gợi lên để mọi người cùng nhớ lại về một thời dĩ vãng vẫn còn xanh. 

    (còn tiếp)
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 7)

    By Kẻ lang thang →

    Vào những năm 2006-2007, ở dự án người chưa đông. Hầu hết anh em có thể nhớ tên nhau chỉ sau vài hôm và nhanh chóng trở nên thân thiết, thậm chí còn đàn đúm vui chơi thành từng hội sau giờ làm việc. 

    Tòa nhà Colone ở cạnh đồn cảnh sát quận Hydra chia 02 khu: A và B. Tòa nhà có 5 tầng, trừ tầng 1 đặt bàn bi-a và nuôi chó cảnh thì các tầng trên phân theo kiểu căn hộ, mỗi căn hộ có 3 phòng ngủ và bếp cũng như không gian sinh hoạt chung. A và B là cách phân biệt của anh Nguyễn Quang Hùng, phân căn hộ ra cho anh em mỗi người một phòng ngủ, mọi thứ khác chung. Vì vậy, khu A thì có A1, A2, A3, khu B thì có B1, B2, B3. Chìa khóa phòng, chìa khóa nhà, chìa khóa gara, chìa khóa tủ, chìa khóa két, chìa khóa văn phòng … tất tần tật do anh Quang Hùng quản lý. Ngoài việc phát cho anh em chìa riêng thì đống sơ cua còn lại cùng các loại chìa khác cũng phải gần 1 cân, đi đâu tay cũng cầm 1 chùm, ai cũng phải công nhận anh là người “tay hòm chìa khóa”. 

    Sau đôi lần bất tiện, anh Hùng nảy ra sáng kiến mua một cái hộp để đựng chìa khóa thay vì dùng móc treo lủng lẳng. Từ đó nhẹ nhàng hẳn, anh chỉ còn phải quan tâm tới mỗi cái chìa khóa HỘP ĐỰNG CHÌA KHÓA mà thôi. 

    Danh sách anh em ở thời kỳ đó được sắp xếp như sau (2006): 
    Tầng 2: 2A1 (Nguyễn Thế Vinh), 2A2 (Nguyễn Hùng Sơn), 2A3 (Nguyễn Văn Giáp)/ 2B1 (Phạm Sỹ Phúc), 2B2 (Nguyễn Xuân Cường), 2B3 (Lê Quang Ánh). 
    Tầng 3: 3A1 (Nguyễn Quốc Thắng), 3A2 (Nguyễn Thiện Bắc), 3A3 (Nguyễn Quốc Hưng)/ 3B1 (Trần Xuân Thanh), 3B2 (Nguyễn Tuấn Hùng), 3B3 (Vũ Hoàng Long). 
    Tầng 4: 4A1 (Nguyễn Thanh Hải), 4A2 (Trần Tuấn Anh), 4A3 (Đỗ Anh Tuấn)/ 4B1 (Nguyễn Hồng Kỳ), 4B2 (Lê Thế Hà), 4B3 (Lưu Thanh Tùng). 
    Tầng 5: 5A1 (Lê Quý Quân)/ 5B1 (Đỗ Kim An), 5B2 (Trần Quốc Hoàn), 5B3 (Nguyễn Quang Hùng). 
    Thông thường phòng không cố định mà được sử dụng trong trường hợp anh em về nghỉ ca mà có khách sang hoặc anh em từ Hassi lên. Những khi phòng không đủ phục vụ nhu cầu, anh Quang Hùng phải bố trí anh em ra khách sạn ở (thường là khách sạn Hydra hoặc Mouflon D’Or). 

    Lúc đó đang chuẩn bị chiến dịch khoan nên nhiều anh em đã được điều xuống Hassi Messaoud để thực hiện các công tác thực địa. Thời điểm này, một số anh em cán bộ PVEP cũng được điều động sang hỗ trợ dự án có thời hạn như Đặng Việt Long , Ngô Khánh Xạ , Nguyễn Ngọc Thanh Huy. 

    Anh em tuy sang ít ngày nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Đặc biệt là Đặng Việt Long, chàng trai Hà Nội trắng trẻo, người đậm, dáng tầm thước. Long đánh bi-a rất hay, thường sau khi xuống ô tô là anh em vào phòng bi-a làm mấy ván giải trí, có lúc cũng có độ kiểu “1 thùng Ken”. Những lúc này, có lúc Long chơi, có lúc đứng ngoài ngắm nghía tư vấn từng đường cơ hay bước chạy bóng. Những lúc cần thị phạm, Long nhướn người lên, một chân gác lên bàn, kính trắng trễ xuống, mắt mở to, miệng hơi mím chặt, chọc những đường cơ đâu ra đấy. Anh em chơi với nhau khá thân, có lần còn dành nguyên ngày đi bộ lang thang xuống down-town để xem Viện Bảo tàng và ngó nghiêng phố xá. 

    Tầng 4 đặt phòng hát karaoke để phục vụ giải trí cho anh em vào dịp cuối tuần. Tại đây, nhiều giọng ca “vàng” đã được phát hiện, trong đó phải kể tới Ngô Thái Hưng. Hưng người Thái Bình, thạc sỹ khoan, làm việc ở base. Những lúc nghỉ ca lên Alger, tranh thủ cầm míc, Hưng hát từ đầu đến cuối. Giọng hát của Hưng hơi ngang nhưng tròn vành rõ chữ, cường độ lớn át cả nhạc. Hồng Kỳ ở đối diện phòng karaoke nên luôn thấm thía mỗi khi Hưng nghỉ ca, thường khi ấy Kỳ sẽ đóng cửa thật chặt, đi tất trắng ngồi đeo headphone và bắt đầu tự xem phim một mình. 

    Bình thường Kỳ cũng ít hát nhưng đã hát thì luôn bắt đầu bằng bài “Hãy hát lên” để cổ vũ anh em. Sau này về PVEP, có lần Liên hoan ca nhạc giọng ca Hồng Kỳ đã đạt giải Nhất với bài hát “Dấu chân phía trước” vốn từng được nghe nhiều lần và bị ảnh hưởng bởi bộ ba Đỗ Kim An, Trần Xuân Thanh và Lương Tuấn Anh hồi còn ở Algeria. 

    Ngoài giải trí bằng âm nhạc, sinh hoạt văn hóa sau giờ làm việc còn có các môn: Chắn cạ, đánh cờ, bi-a, tá lả hoặc lai rai nói chuyện. Hội cờ tướng thì thường do phòng TCKT chủ trì với các anh Nguyễn Tuấn Hùng , Trần Xuân Thanh và Trần Văn Ban , thỉnh thoảng chuyển cờ sang chơi phỏm. Hội “chắn” thường tụ ở tầng 5 với các gương mặt quen thuộc: Nguyễn Quang Hùng, Phí Phi Cường, Lê Quang Ánh, Lê Quý Quân, Đỗ Anh Tuấn. 

    Anh Quý Quân sang đây mới tập chơi nhưng nhanh chóng bị môn thể thao này cuốn hút đến mức có cả biệt danh Quân “Cáp” vì luôn chờ Chi để tìm cước “Chì Bạch thủ ù Chi”. Một thời gian sau, anh Quân xin về nước vì lý do sức khỏe. Hôm tôi đến nhà thăm cùng chị Thủy và Tường Huệ , anh đang nằm ở nhà, chân hằn vệt dép tông của nắng gió biển miền Trung. Hỏi anh mới ra viện được mấy hôm, sức khỏe thế nào, anh ái ngại nhìn chúng tôi cười hiền lành nói sức khỏe cũng đỡ hơn nhiều, nhưng chắc sau đây sẽ không quay lại Alger được nữa vì bác sĩ có lời khuyên. Đúng thật, sau đó anh ở lại công tác tại Hà Nội luôn. 

    Trước thời điểm 2008, phòng Thăm dò đóng vai trò quan trọng với những cái tên như Vũ Sĩ Lý, Nguyễn Văn Giáp, Lưu Thanh Tùng, Vũ Hoàng Long, Trần Minh Giáp, Nguyễn Đức Hảo, … cùng với phòng Thi công. Sau đó lực lượng có những thay đổi để đáp ứng tình hình mới. Các năm 2006-2007 lần lượt nhân lực khoan được bổ sung với các gương mặt Nguyễn Quang Hưng, Thịnh Văn Thành, Bùi Nguyên Bành, Vũ Tiến Trung, … 

    Năm 2008 cũng chứng kiến nhiều anh em về nước sau khi kết thúc chiến dịch khoan thăm dò thẩm lượng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của dự án, cần một lực lượng mới để phù hợp với phạm vi và tính chất công việc của giai đoạn. Thế hệ thứ nhất và thứ hai của dự án đã dần thay thế bằng thế hệ thứ ba, trẻ trung và giàu tham vọng với những cái tên như Trương Minh Đức, Đặng Hoài Nam, Phan Tiến Dũng, Lê Vĩnh Hiệp, Nguyễn Văn Đức, Vương Thị Thúy Hà, Hoàng Chí Trung, Phùng Đình Sơn … 

    Phòng TCHC lúc mới đầu do anh Lê Quang Ánh phụ trách, sau khi thành lập phòng HSE thì anh Ánh sang làm Trưởng phòng HSE, Quang Hùng lên thay (trước đó phòng TCHC do anh Vũ Xuân Thủy phụ trách đảm nhiệm cả tổ chức hành chính, thương mại, pháp lý và IT). Đầu năm 2007 khi tôi về thì phòng chỉ có 3 anh em: Quang Hùng, Quốc Hoàn và tôi. Công việc nhiều nên anh em phải cố gắng phối hợp nhau để hoàn thành, người nọ gánh đỡ cho người kia, nhất là những lúc nghỉ ca. Hoàn phụ trách IT, thời điểm đó phải xuống sa mạc nhiều để lắp đặt hệ thống liên lạc thuraya từ base ra ngoài giàn khoan, công việc trên Alger Hùng và tôi thực hiện. 

    Là người cẩn thận nên Hùng phân công các công việc rất cụ thể, chi tiết, giám sát kiểm tra thường xuyên nên mọi việc cũng trôi chảy. Thời gian đầu khi chưa hiểu nhiều về Quang Hùng, tôi thường để ý thái độ của anh em đối với Hùng, đặc biệt là đội lái xe, họ rất sợ “Mông-xi-ơ Hùng”. Chỉ cần nghe Hùng nói với họ dù những việc bình thường thôi nhưng đã thấy ánh mắt e ngại của các bạn lái xe, nhất là Touhami và Mohammed. Họp lái xe thường một tuần 1 lần, Hùng có câu khẩu lệnh đã được hầu như anh em dự án thuộc lòng, đó là: Toutes les chauffeurs vient ici tout de suite! (Phiên âm: Tút tờ lê sốp phơ viêng i-xi tút đờ suýt! Tất cả lái xe đến đây ngay lập tức!) Sau khẩu lệnh, lục tục các lái xe từ các vị trí sẽ trở về phòng TCHC (nằm bên phải cửa ra vào) để họp. 

    Dần dần, tôi nhận thấy ngoài những chỉn chu đến khắt khe trong công việc, thậm chí bị coi là khó tính, Hùng là một người dễ mến, sống chân thành, giản dị nhưng sâu sắc. Càng ngày chúng tôi càng thân nhau. Sau này, khi Hùng về nước (2008), chúng tôi vẫn giữ liên lạc và đến giờ thì tình cảm hai thằng vẫn thế, thậm chí có phần còn đậm đà thân mật hơn ngày ở Alger. 

    Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng “chúng ta đang tiếp tục đi trên một con đường để phục vụ cho sự nghiệp chung”, trong từ điển hai thằng không có từ khoảng cách. Năm 2015 Hùng còn giúp tôi đạt được một trong những mơ ước là được ra thăm Trường Sa, hai thằng đã có thêm những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi để bổ sung vào “kho” kỷ niệm giữa hai thằng vốn dĩ đã “hòm hòm” sau hơn chục năm gắn bó cùng nhau. 

    Sau này Phòng TCHC được bổ sung thêm Nguyễn Mạnh Hùng (2007), Trần Thế Cường (2007) và Lê Vĩnh Hiệp (2008). Thời gian sau đó tách phòng IT ra vì thế phòng được bổ sung thêm anh Trần Quang Hải và chị Nguyễn Thị Mười, làm công tác tổ chức nhân sự là chính. (còn nữa)
  • Nghĩ về những giọt nước mắt

    By Kẻ lang thang →
    Giọt nước mắt nơi phiên tòa đã rơi nhiều lần, thực lòng cũng có phần cảm thấy thương xót. Thân phận con người đứng trước xa ngái tù tội trong khi đang hưởng thụ no nê về vật chất tinh thần, ít ai có thể giữ được khí chất mà mỉm cười ngạo nghễ. 

    Nếu thực lòng thấy mình oan sai, vô tội, hoặc coi thường bản án "bỏ túi" ngoài kia thì phải mỉm cười, tuyệt đối không được khóc. Chỉ khi bạn mỉm cười, bạn mới là người chiến thắng. 

    Ảnh chụp anh Nguyễn Văn Trỗi ở pháp trường

    Lịch sử cận đại đã có nhiều tấm gương dũng liệt, bước ra pháp trường vẫn ung dung tự tại, thậm chí như chị Sáu còn "hái một đóa hoa tươi chị gài lên mái tóc", chắc không có thật nhưng tuyên truyền là thế, để từ đó nảy sinh ra biết bao anh hùng từ một dân tộc anh hùng. Bao bậc tiền nhân bước vào xà lim án chém vẫn vui vẻ như bước vào ngôi nhà có đồng đội, có anh em, thậm chí biến nhà tù thành trường học cách mạng. Lê Đức Thọ đã từng thừa nhận được "giáo sư đỏ" Trần Văn Giàu dạy những bài học vỡ lòng về triết học Mác, về chủ nghĩa cộng sản ... tại chuồng cọp Côn Đảo, để từ đó rèn đúc khí phách cho riêng mình. 

    Gần đây, dân tộc sản sinh ra nhiều cá nhân mau nước mắt. Bất luận là ai, bất luận hoàn cảnh nào đều có thể rơi nước mắt. Nước mắt có làm dân tộc trở nên yếu ớt hơn không? Chắc là không vì quan điểm "không để nước mắt rơi làm nhòa mặt kẻ thù" nhưng cũng sẽ dẫn đến hệ lụy cho thế hệ tương lai yếm thế hơn và hèn đớn hơn. Họ không biết đấu tranh, không dám đấu tranh, sợ đấu tranh và dễ đầu hàng trước số phận. Họ sẽ chỉ biết khóc cầu xin lòng thương hại của kẻ thù. Mà đó là điều không bao giờ có cũng như Mát-xcơ-va không bao giờ tin vào những giọt nước mắt. Đơn giản nó chỉ làm tay súng run rẩy hơn mà thôi. 

    Có ông nhà văn già tuyên ngôn: Tôi đứng về phe nước mắt. Mà giờ thật giả lẫn lộn, đến cá sấu cũng có thể hai hàng lệ long lanh thì biết phe phái nào mà lựa chọn. Nhưng cũng không khó để nhận ra những giọt nước mắt thật sự chảy ra vì chan chứa nỗi niềm, vì xót xa đắng đót của thân phận bị lầm than, hãy đi vào nguồn gốc của giọt nước mắt. Chợt nhớ Trịnh tử đang tha thiết ngoài kia "có khi mưa ngoài trời, là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời, làm từng nỗi ưu phiền"... 

    Giọt nước mắt thật sự (nếu có), chỉ có thể bắt nguồn từ tình yêu.

    Ảnh chụp chị Võ Thị Thắng 
  • Tiếng đàn ở sảnh Petroland

    By Kẻ lang thang →
    Những lúc đứng rít vài hơi thuốc nhớ về thời buông khói thơ ngây ở dưới chân tòa nhà nơi làm việc, thi thoảng tôi được nghe tiếng đàn guitar bập bùng trong ngút gió, nửa chừng quen nửa chừng xa lạ. Nó gợi nhớ về một thời xa ngái nơi có những giảng đường, những quán café vách ố vàng khói thuốc, những bụi bặm vỉa hè quán rượu đêm. 

    Tiếng đàn như đánh thức trong tôi những lãng mạn thủa nào đã phôi pha theo tháng năm, khi cuộc sống không còn nhiều mới mẻ để hấp dẫn bản năng theo đuổi đến sứt mẻ tâm hồn. Đam mê vẫn còn đâu đó nhưng lẩn khuất giữa bộn bề cuộc sống, bị giới hạn bởi những bổn phận và trách nhiệm nên không có nhiều cơ hội để thực thi. 

    Đó có phải là nỗi buồn chung của những tâm hồn nhạy cảm hay không tôi không biết nhưng tiếng đàn đã làm lòng tôi như chùng xuống. Cảm giác nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ Hà Nội, nhớ hai cây bàng già trước cổng, nhớ cả cái rãnh nước chiều mưa lá vàng bơi đọng đầy trên miệng cống. Tiếng đàn rung trong gió lúc này là một sự khác biệt giữa một trung tâm thương mại hiện đại, năng động, nhộn nhịp comple quả táo và giày cao gót. 

    Sự tò mò khiến tôi lần theo tiếng đàn tìm đến chủ nhân. Âm thanh lớn dần theo nhịp chân, đến cửa Oceanbank thì đột nhiên tắt lịm. Tôi nhìn sang bên trái thì thấy một cảnh tượng khá kỳ lạ. 

    Một người đàn ông đang ngồi ngay ngắn chơi đàn với một giá nâng bản nhạc trước mặt. Tiếng đàn vừa tắt là do ông dừng tay để lật bản nhạc sang trang. Rồi tiếng đàn lại tiếp tục, chậm chạp từng thanh âm không hối thúc, sự điềm đạm ấy làm tôi ngạc nhiên. Ông đã ngoài 50, nhìn cách nâng phím nhả tơ tôi đoán chừng ông đang luyện một bài nhạc mới, kỹ năng cũng chưa hẳn là thành thục nhưng nét mê say hiện rõ trên gương mặt và thần thái. Ông mơ màng như không để ý đến xung quanh. 

    Một vài cá nhân hiếu kỳ đứng quanh lắng nghe và quan sát cũng không làm ông bận tâm mà buông sai nốt. Chậm chậm, tiếng guitar vẫn bập bùng chan chứa hồn quê. Trên người ông là một bộ đồ đồng phục của một công ty bảo vệ.


    Vâng, chính xác ông là bảo vệ của chi nhánh ngân hàng này. Và ông đang tranh thủ luyện bài nhạc của mình giữa phiên trực khi không có nhiệm vụ nào bắt ông phải đứng lên. Một niềm cảm mến dâng lên trong tôi khi nhìn ông từ khoảng cách chừng năm mét, đó không còn là một người bảo vệ đang ngồi dưới cột sảnh tòa nhà chơi đàn mà dường như là một nghệ sĩ lang thang đang phiêu hốt trên từng khuông nhạc. Đôi lúc ông dừng lại, mắt xa xăm nhìn về phía rặng cây. Ông nghĩ gì tôi không biết, cũng như ông không biết rằng tiếng đàn ông đã mang đến cho tôi một cảm hứng nhất thời lành mạnh. Ông không biết rằng chỉ bằng vài tiếng bập bùng dẫu chưa điêu luyện nhưng đã gợi cho tôi cả một trời dĩ vãng xa xăm. Chỉ thế thôi nhưng nó khiến tôi có thêm động lực để đi tiếp cuộc hành trình. 

    Cảm ơn ông người bảo vệ kiêm nghệ sĩ vô danh. 

    Sài Gòn 03/8/2018.
  • Đi ra với biển

    By Kẻ lang thang →

  • Hình ảnh Tết "ngày xưa"

    By Kẻ lang thang →
    Không phải là các ông đồ áo the khăn xếp ngồi trong lả tả hoa đào mà đối với thế hệ 7X thì Tết thời "bao cấp" đích thị là Tết "ngày xưa". Sự xúc động đến một cách tự nhiên khi xem lại những hình ảnh mà "ai cũng thấy mình trong đó". 
    Chợ hoa Hàng Lược - Hàng Mã


    Mứt Tết và rượu hoa quả các loại, chè ... đặc trưng của mọi gia đình

    Những thứ đồ "xa xỉ" trong ngày Tết năm xưa


    Đốt pháo là trò vui đón Xuân đã không còn nữa


    Khung cảnh một gia đình công chức điển hình những năm tháng ấy

  • Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Một năm vượt sóng

    By admin → Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019
    Với những nỗ lực, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, đạt được nhiều thành tích nổi bật.
  • Đường ống dẫn khí khổng lồ

    By admin → Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019
    Các kỹ sư nước ngoài thiết kế đường ống dẫn khí khổng lồ từ biển vào đất liền để đưa vào sử dụng sinh hoạt hằng ngày. 
  • Khám phá đường ống dẫn dầu khí lớn nhất thế giới

    By admin →
    Để đưa dầu vào đất liền, các kỹ sư đã thiết kế đường ống dẫn dầu từ mỏ vào đất liền.
  • Những tiếng chuông ngân vang nơi xứ người

    By admin →
    Phim giới thiệu về các dự án dầu khí của Petrovietnam tại các nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 6)

    By Kẻ lang thang →
    Ngay ở lần đầu tiên ấy, khi mới gặp nhau, xuống sân bay sau khi check-in khách sạn Es Salam khá nổi tiếng ở thành phố cảng Skidda cổ kính, Amar đưa tôi đi vòng vòng thành phố, rồi đi ra phía biển. 
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 5)

    By Kẻ lang thang →
    ĐẤT VÀ NGƯỜI

    Cuộc sống những năm 2005-2008 thực sự là rất khó khăn nhưng anh em lại rất đoàn kết.

    Chính sự đoàn kết đó đã trở thành thương hiệu của dự án dù rằng mọi thứ từ 2009 trở đi thuận lợi hơn nhiều. Sau giai đoạn 2011, tôi không còn có nhiều thông tin về dự án nhưng vẫn có niềm tin rằng mọi sự vẫn sẽ hanh thông trên cơ sở nền móng đã vạch ra từ gần chục năm về trước.

    Cũng phải nói một chút về cá nhân khi đối mặt với khó khăn từ những năm 2006 kia, thời điểm sau khi hết nhiệm vụ ở hỗ trợ chiến dịch khoan lô 103-107 tại Đà Nẵng thì về Hà Nội nhận quyết định lên đường thời hạn biệt phái 3 năm với mức lương 630USD/tháng. Khi nhìn tôi cầm tờ quyết định, anh Quý Trưởng phòng Dịch vụ Hậu cần nói một câu: Sướng nhé Sơn, giờ toàn được tiêu tiền đô. Mặc dù là Trưởng phòng nhưng anh cũng chỉ biết trước tôi có một thời gian ngắn, sau khi quyết định đã ban hành.

    Mặc dù thế nào đi chăng nữa, không bao giờ tôi ân hận khi chấp nhận thử thách này. Một thử thách mà tôi cho rằng để làm được nó, mình phải quyết tâm. Tháng 9/2006, trước khi lên đường khoảng 2 tuần, tôi nói với vợ: Nghỉ lễ này mình đi Sapa, để con lại cho ông bà. Chúng mình sẽ leo đỉnh Phansipan! Vợ tôi tròn xoe mắt, có lẽ vì háo hức là chính nên đồng ý với tôi. Sau chuyến đi thành công với 3 đêm ngủ rừng và đi dọc hàng chục km trên dãy Hoàng Liên, tôi tin mình sẽ làm được. Những nỗ lực cao nhất của chúng tôi khi lê những bước cuối lên đỉnh rồi vợ tôi òa khóc, đã nói lên tất cả. Chắc nhiều người không nghĩ như tôi, họ cho rằng đi là cơ hội. Đúng, nhưng thời điểm đó tôi không biết nhiều về điều đó. Tôi chỉ nghĩ rằng, đó là nhiệm vụ và ta phải lên đường. Trong đầu chỉ nung nấu làm sao hoàn thành được nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình.

    Ngày tôi đi con gái tôi mới 4 tuổi, khi về cháu đã học lớp 4. May mắn làm sao tôi đã làm được, ít nhiều không hổ thẹn với lương tâm của bản thân mình. Sau nữa, vượt mọi khó khăn, tôi đã may mắn có được những người bạn đồng cam cộng khổ, thân thiết đến tận bây giờ. Đó là các anh Nguyễn Quang Hùng, Trần Xuân Thanh, Đỗ Anh Tuấn , Võ Chí Trung , Trần Văn Đình và nhiều anh em khác nữa.

    Với tôi, họ thực sự là những chiến binh.

    Một điều kỳ diệu là ở dự án Algeria, tôi đã được chứng kiến lễ cưới của một thành viên dự án với em gái mình, đó là Nguyễn Thanh Hải lúc đó đang là kỹ sư phòng Phát triển (2007). Trong gia đình những khi sum họp, có lúc tôi cũng nhắc chuyện Algeria và anh em đều lấy làm vui vẻ, tự hào vì một thời gian khó đã có nhau. Nhìn gia đình các em hiện nay, tôi thấy rất hạnh phúc.

    Những năm tháng ở dự án là những năm tháng có nhiều ý nghĩa. Chúng tôi được làm quen với nhiều điều mới mẻ, cả trong cuộc sống và công việc. Môi trường làm việc khi đó rất chuẩn mực, bản thân việc lựa chọn cán bộ biệt phái đi làm nhiệm vụ cũng rất kỹ, trực tiếp do anh Nguyễn Quốc Thập lựa chọn. Trong căn biệt thự cũ kỹ mang tên Paradou, văn phòng của PIDC Alger được phân bố thành các phòng: Tổ chức Hành chính, Thương mại, Tài chính Kế toán, Thi công, sau có thêm phòng HSE. Ngoài ra có 2 phòng riêng cho Giám đốc và Phó Giám đốc. Riêng tầng 2 có một phòng làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ sang công tác (trước đó là phòng anh Thập ở). Phòng họp được làm trên bể bơi. Ngay bên dưới là phòng Thăm dò. Đằng sau là vườn và bếp ăn, nơi cai quản của anh Vĩnh.

    Ông anh vốn là thợ xây sang lao động, sau được anh em dầu khí mời về làm bếp, người Bắc Giang, tính tình ít nói, chăm chỉ, anh em rất quý. Anh có tài đánh tiết canh vịt và vỗ béo cho gà. Cứ hàng tuần anh đi chợ, mua vài chục con gà rồi thả trong vườn, thỉnh thoảng lại túm mấy con làm thịt. Trước khi cắt tiết, anh cứ lầm rầm khấn vái. Ai hỏi anh cũng không nói. Có lần nhỡ mồm, tôi hỏi khi thấy anh bần thần đứng trông ra ngoài sân, dưới chân vẫn còn vài đống lông gà vương vãi. Có chuyện gì thế anh?

    Anh nhìn tôi mắt đượm buồn rồi nói: Anh cắt tiết dễ đến cả nghìn con rồi, thế này chắc MA GÀ nó oán anh lắm. Tục lệ quê hương chắc có sự tích ma gà nên anh động lòng trắc ẩn hay sao. Mặc dù thế, với loài gia cầm được sát sinh cũng là xong một kiếp, bước sang kiếp khác để luân hồi, các cụ dạy rồi, cái giống lục súc thì không phải lăn tăn. Tôi nói rồi anh cũng yên tâm hơn, tiếp tục chí thú vào cái sự nghiệp « Anh Nuôi », trình cắt tiết ngày càng thành thục.

    Sau này anh về Việt Nam, mua một cái tàu hút cát ra sông Cầu làm nghề « sa tặc », có của ăn của để mà lại thanh cảnh, thưởng thức gió trăng lồng lộng suốt đêm ngày. Có một lần tôi cùng anh Tuấn Hà Đông đi thăm anh, mấy anh em ra chòi sát sông ngồi uống rượu với mực khô, hàn huyên chuyện xưa đến chiều muộn mới đứng lên đi được.

    Thời kỳ đầu khi mới bước vào dự án, tôi được phân công làm ở phòng Thi công, trực tiếp làm việc với anh Nguyễn Quốc Hưng. Chàng trai da trắng môi đỏ ấy rất thông minh, nhanh nhẹn. Sau khi giao việc cho tôi theo dõi hợp đồng vận chuyển và làm thủ tục hải quan các lô hàng phục vụ cho chiến dịch khoan, Hưng đã trực tiếp theo dõi và hỗ trợ tôi nhiều trong công việc.

    Trong 3 tháng làm việc ở phòng Thi công, tôi được làm quen với các anh Trần Thanh Long , Phạm Sĩ Phúc, Ngô Thế Dương, Lê Hồng Quang, Đặng Quốc Hùng, Lương Hùng Việt, Trần Tuấn Anh và một cô bé thư ký tên là Kenza Mai (Mai có bà ngoại người Việt Nam). Dưới căn cứ hậu cần (supply base) lúc đó là anh Phí Phi Cường, Ngô Thế Hưng và Lương Tuấn Anh. Phụ trách civil works khi đó là Nguyễn Văn Dầu, Phạm Ngọc Hiến, sau có thêm Lã Mạnh Trường.

    Nhận việc hôm trước, hôm sau tôi được giao xuống cảng Skidda để kiểm tra lô hàng ống chống mới nhập về (tôi vẫn nhớ tên nhà cung cấp là Tennaris). Quốc Hưng nói: Anh lên phòng Hành chính gặp Mr Amar để làm thủ tục đi. Đó là một ngày cuối tháng 9 năm 2006. Từ chuyến đi này, tôi đã có một tình bạn chân thành và sâu sắc với một người đồng nghiệp Algeria, một người đã gắn bó với tôi cả trong công việc và đời sống nhiều năm về sau, đến tận khi Amar nằm xuống vì một chứng bệnh nan y. Amar Belkessa, cái tên ấy đã in hằn trong trí nhớ của tôi không phải chỉ đơn thuần vì giao tiếp gần gũi trong công việc.

    Ở người đàn ông này, tôi học được cả những bài học cuộc đời.
  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 4)

    By Kẻ lang thang →

    "Chấp nhận đời làm dự án là đời hay thay đổi". Anh Lê Bá Tuấn hay tâm sự cùng anh em như vậy về những gian nan vất vả của nghề. Anh ví von: Giống như người thợ xây nhà, nhà xây xong thì phải chuyển đi để cho chủ nó về ở chứ thợ có được ở đâu, phải tiếp tục đi xây chỗ khác. 

    Nghề phát triển mỏ của anh cũng như vậy. Anh Lê Bá Tuấn xuất thân từ kỹ sư khoan khai thác ở Baku (cùng trường với anh Nguyễn Văn Quế và anh Nguyễn Mạnh Trí), sau khi ra trường (1989) anh Tuấn về liên doanh Việt-Xô làm cho đến khi chuyển sang làm Trưởng phòng Phát triển của Trường Sơn JOC (2006), để rồi tiếp tục nắm giữ vị trí Trưởng phòng Phát triển của Dự án Algeria năm 2008. Đến tháng 8/2008, anh Lê Bá Tuấn lên thay anh Nguyễn Văn Quế làm Giám đốc Dự án. Chỉ 8 tháng sau, anh chính thức trở thành vị Đồng Tổng Giám đốc (Co-General Director) Việt Nam đầu tiên của Liên doanh Điều hành chung GBRS. 

    Anh là người có tinh thần và khí chất mạnh mẽ, nguyên tắc trong công việc nhưng lại chân tình mềm mỏng trong cuộc sống đời thường. Ở anh Tuấn dễ nhận thấy là sự giản dị ở vẻ bề ngoài nhưng sâu sắc trong tư duy và có cách diễn đạt rất khúc chiết. Trước khi đến với dự án làm công tác quản lý, anh là một nhà khoa học. Tính chính xác, cẩn trọng và tôn trọng thực tiễn là những gì khoa học đã bổ trợ cho anh trong quá trình giữ cương vị chỉ huy cao nhất của dự án (2008-2010), anh có những nguyên tắc và thường kiên định trong bảo vệ những nguyên tắc đó, lắm lúc khiến anh em giúp việc kêu trời. Ngoài giờ làm việc, anh cũng ưa ngồi tán chuyện cùng anh em, thường cuộc vui sẽ kéo dài đến khi mặt anh đỏ sậm, kính trắng hoen mờ phải lấy ra lau, anh sẽ nhỏ nhẹ: Thôi các cậu ngồi, tớ lên nghỉ trước đây. Sáng hôm sau xe chưa tới đã thấy anh chỉn chu comple kính trắng, tóc vuốt cao, xách cặp đứng ở ngoài sân hay thong thả dạo vài bước trong vườn. 

    Những người ở gần anh đều có thể học ở anh Tuấn nhiều điều. Cá nhân tôi luôn nhìn thấy ở anh hình ảnh một nhà khoa học, lúc nào cũng lấy công việc làm trọng, lấy chủ trương đường lối của Tập đoàn, của Tổng Công ty làm kim chỉ nam, để từ đó tìm cách thực hiện một cách tốt nhất. Ngoài ra, anh còn rất quan tâm tới sức khỏe, anh đã từng cho tôi tài liệu về « Suối nguồn tươi trẻ » để luyện tập, tu tánh dưỡng thần. Những ngày tháng đầu tiên trong ngôi nhà chung GBRS, nhiều thứ mới, nhiều người mới, sự va chạm công việc trong môi trường đa văn hóa đã nảy sinh nhiều chuyện, mà thường giải quyết các vấn đề này chỉ có quan tòa là 2 ông Đồng Tổng Giám đốc. Nhiều lúc bận quá anh kêu trời, sao tôi lại khổ như thế này? Anh em đều hiểu cả, kêu là kêu cho vui vậy thôi chứ ngày mai lại đâu vào đấy. 

    Cuối tuần Công đoàn hay tổ chức đi thăm quan để anh em thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, anh Tuấn luôn tham gia nhiệt tình để động viên phong trào. Những lúc thế này, anh như lùi lại nhường sân khấu cho chúng tôi trong vai trò Ban Tổ chức. Anh như trở lại thời sinh viên, áo phông quần kaki bạc mầu, đeo ba lô đi giữa mọi người như không có sự khác biệt. Hình ảnh của anh đeo ba lô đứng bên bờ đá Tipaza nhìn ra Địa Trung Hải trong ánh nắng vàng sẫm như mật ong, thực lòng tôi không bao giờ quên được. Tôi cũng đã từng đứng ở đó, cũng có cái vẻ đăm chiêu khi nhìn xuống lòng biển sâu. Lúc đó, tôi biết anh cũng đồng cảm như tôi. Chúng tôi cùng nghĩ tới gia đình, tới Tổ quốc. 

    Những ngày tháng ở villa B – Dely Ibrahim – thật không dễ quên. Đó là những thời điểm mà cuộc sống được nâng lên một bậc, sự gần gũi chân thành cũng được nâng lên một bậc, tình cảm dường như cũng sâu sắc hơn. Anh Lê Bá Tuấn ở trên tầng 2 (lúc đó là 1 căn apartment vì ban đầu anh muốn đưa vợ con sang ở cùng). Tầng 1 gồm có anh Nguyễn Văn Quế, Trần Xuân Thanh, Nguyễn Chiêm Huy và tôi. Biệt thự thiết kế rất lạ, phía bên trong để rỗng thả đèn chùm, hành lang chạy vòng quanh nối vào các phòng, đứng ở đó có thể quan sát khắp nơi. Tầng trệt thì có bếp, phòng karaoke và đặt bàn bi-a nữa. 

    Villa B thời kỳ đó (và kể cả sau này lúc anh Nguyễn Mạnh Trí sang ở phòng anh Quế) luôn luôn là nơi tụ tập sinh hoạt của anh em biệt phái những buổi tối sau khi cơm nước xong. Villa A chỉ cách villa B chừng hơn trăm mét vì thế mọi người có thể qua lại giao lưu. 

    Nhiều sự kiện đã diễn ra ở đây, có những chuyện hết sức cảm động, sau này khi nhắc lại vẫn được mọi người nhớ đến. Những buổi giao lưu văn nghệ, giải cờ tướng mở rộng (anh Đỗ Anh Tuấn vô địch, anh Cường Đại sứ quán giải Nhì), giải Bi-a mở rộng (cặp đôi Nguyễn Mạnh Trí – Trần Xuân Thanh vô địch). Những đêm nhạc bập bùng guitar với các giọng ca chủ đạo là Nguyễn Mạnh Trí và Hà Ngọc Tâm. Nói đến đây, tôi như chợt thấy trước mắt mình là bộ salon giả da màu vàng-nâu cũ kỹ, một cái bàn kính màu đen, trên để một chồng ly và chai rượu Wisky nom bên trong chứa toàn hổ phách. Cái sân khấu cổng tò vò, lối nhỏ ra bàn bi-a, màn hình, bộ loa đặt lên bệ tường, hai cái micro « xịn » mà Trần Quốc Hoàn mang tận ở Việt Nam sang … 

    Rồi mọi thứ cũng qua, như ngày đêm nối tiếp, như những cơn mưa nối tiếp những cơn mưa, hết mưa thì trời lại sáng. Sau khi anh Quế rời dự án, anh Tuấn lên thay thì dự án tiếp tục đón một Trưởng phòng Phát triển mới là anh Nguyễn Mạnh Trí . Điểm chung của cả 3 anh là đều học trường dầu ở Baku về. Anh Trí có thói quen ngồi hay rung đùi nên được anh Hoàng Kim Nguyên gọi là Trí « rung ». Chính anh cùng đội quân Phát triển của mình đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thiết kế, tổ chức đấu thầu, thi công các gói thầu EPC-1 và EPC-2 cho mỏ Bir Seba đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, giá và chất lượng. Riêng tiến độ thì không đảm bảo được như kế hoạch ban đầu vì thực tế tại Algeria luôn luôn bất ổn, nhất là sau này khi có một sự kiện khủng bố con tin diễn ra vào năm 2013 tại khu vực lân cận mỏ với gần 60 người thiệt mạng khiến phải đấu thầu lại do nhà thầu chính sợ hãi bỏ dự án luôn.

    Anh Trí đặc biệt thích bóng đá. Có lẽ ngoài công việc, guitar và rượu vang thì thời gian còn lại anh dành cho bóng đá. Những buổi chiều thứ 7, cả văn phòng ra sân vận động Olympia đá bóng, anh luôn là thủ lĩnh của một đội, đá trung vệ đeo băng đội trưởng. Tất nhiên đội đó thường là đội Phát triển của anh. 

    Lúc đầu trận đấu chỉ có quân ta, sau Tây thấy vui cũng tham gia cùng, vì thế nhiều trận đấu sau này tính màu cờ sắc áo lắm. Đội Phát triển là đội mạnh, có các gương mặt như Trương Minh Đức, Đặng Hoài Nam, Hoàng Ngọc Dũng, … rồi thêm các bạn chuyên gia Thái Lan, Philipines, Malaysia nữa nhưng chưa khi nào vô địch giải GBRS dù đã tổ chức đến 3-4 lần. 

    Nhớ giải đầu tiên chính anh Lê Bá Tuấn làm trọng tài, anh Trí làm đội trưởng đội Phát triển, ông Kara (Đồng Tổng giám đốc người của Sonatrach) làm đội trưởng đội Local. Trận đấu căng thẳng, trọng tài Lê Bá Tuấn phải làm việc hết sức vất vả, nhất là phải làm sao giữ được hòa khí không ảnh hưởng đến công việc chung trong các tình huống trung vệ Trí phạm lỗi với tiền đạo Kara trong vòng cấm, thậm chí có tình huống mà như Tiến « Bình Đà » ngồi ngoài sân có nói: Như chặt chuối! 

    Sau khi anh Tuấn rời dự án đầu năm 2011 thì anh Trí lên thay, giữ vị trí Giám đốc dự án thứ 6 tiếp tục thực hiện các công việc phát triển mỏ Bir Seba. Thời gian sau đó tôi không có mặt nhưng cũng được biết rằng bên cạnh công việc anh vẫn luôn quan tâm tới anh em, đặc biệt là đối tượng đoàn viên thanh niên và đã thực sự để lại trong lòng anh em những sự kính trọng và niềm yêu quý.

  • Những ký ức xanh màu ô liu (phần 3)

    By Kẻ lang thang →
    Sau thời kỳ anh Thập là đến thời kỳ của anh Nguyễn Trấn Phòng (xen giữa là một thời gian ngắn anh Nguyễn Quốc Thắng phụ trách dự án). Về cơ bản giai đoạn này không dài nhưng lại có dấu ấn cải cách tới dự án, đặc biệt là tới đời sống của anh em. Đó là 3 việc: Mua xe ô tô, chuyển đổi văn phòng và cải cách tiền lương/chế độ đi lại.


    Văn phòng trước đó đặt ở khu Hydra (có 02 nơi gọi tắt là Paradou và Hydra), nằm ở trên đồi cao trong một khu vực rất an toàn có nhiều Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao, bên cạnh công viên Olof Palme . Khi dự án bước sang giai đoạn Thăm dò 2 với chiến dịch khoan thẩm lượng trên các cấu tạo cả Bir Seba, MOM và BAT, nhu cầu nhân lực cho dự án tăng thêm (thời điểm đó có chủ trương thuê một lúc 3 giàn khoan để đáp ứng cho chiến dịch). Văn phòng hiện tại không còn đáp ứng được nữa nên cần thay thế. Anh Nguyễn Quang Hùng (Trưởng phòng TCHC) là người đã trực tiếp đi tìm trụ sở mới và hoàn thành việc chuyển văn phòng vào tháng 4/2008. 

    Văn phòng đó đã tiếp tục tồn tại cho đến 2015 trước khi toàn bộ nhân viên GBRS phải chuyển xuống làm việc tại Hassi Messaoud (hiện nay chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ ở trên thủ đô Alger). 

    Song song với việc chuyển văn phòng mới, Dự án cũng chính thức không thuê xe mà mua 03 xe mới (02 xe Ford Transit 9 chỗ và 01 xe Ford Mondeo) để phục vụ công việc. Việc có được một văn phòng khang trang sạch đẹp, nằm ở trung tâm, ngay sát đường quốc lộ và bố trí khu vực nhà ở kèm bếp ăn ở gần đó, đi lại bằng xe mới đã khiến cho hình ảnh và vị thế của dự án được nâng lên trong mắt nước chủ nhà và các đối tác, đời sống anh em cũng được cải thiện tốt hơn. 

    Về cải cách tiền lương, câu chữ thì to tát chứ đơn giản chỉ là trên cơ sở một số quy định mới về thang bảng lương cho cán bộ biệt phái (sửa đổi Chính sách Nhân viên làm việc ở Nước ngoài), anh Nguyễn Trấn Phòng đã tìm cách « tăng lương » cho anh em trong phạm vi quyền hạn cho phép. Trước đó, lương tháng anh em phổ biến ở mức 5-700USD/người, cộng thêm một số phụ cấp. Đi lại thì trước đó là 12/2 (12ON/2OFF nghĩa là làm 12 tuần về nghỉ 2 tuần), sau có Chính sách thì được giảm xuống còn 10/3. Như một nguyện vọng chính đáng muôn đời của giai cấp công nhân, mọi đấu tranh đều vì mục tiêu « tăng lương – giảm giờ làm », thời điểm đó (2007) với những anh em biệt phái tại Algeria, vừa được cải thiện thu nhập đồng thời lại có chế độ nghỉ ca hợp lý hơn, đó quả là một cuộc cách mạng. 

    Cũng trong thời kỳ này, khi tiến hành chiến dịch khoan, bộ phận Thi công do anh Nguyễn Xuân Cường (sau đó là anh Đinh Trọng Huy) chỉ huy đã giám sát chỉ đạo nhà thầu khoan đạt được 2 kỷ lục tại Algeria về khoan nhanh nhất (3.25 mét/giờ tại giếng BRS-9) và khoảng khoan dài nhất đặc biệt khi khoan thân giếng xiên và ngang với choòng khoan thấm nhiễm 6” K505BPX khi khoan trong địa tầng Hamra (208.5m tại giếng BRS-10), được các nhà thầu dầu khí nước ngoài và nước chủ nhà đánh giá cao. Đội hình phòng Khoan thời điểm 2006-2008 rất mạnh với các tên tuổi như Nguyễn Xuân Cường, Đinh Trọng Huy, Lê Hồng Quang, Đặng Quang Hùng, Ngô Thế Dương, Phạm Sỹ Phúc, Nguyễn Quốc Hưng , Đinh Văn Thùy , … Không lâu sau đó, anh Phòng được điều chuyển sang dự án Tunisia và anh Nguyễn Văn Quế sang thay thế (tháng 4/2008).
    Sự xuất hiện của anh Quế đã gián tiếp mang đến cho dự án một Giám đốc tương lai, đó là anh Lê Bá Tuấn, lúc đó đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Phát triển. Cặp bài trùng Nguyễn Văn Quế và Lê Bá Tuấn (2008-2010), hai vị thuyền trưởng mẫu mực đã có mặt ở một thời điểm vô cùng quan trọng đối với dự án, thời điểm chuyển giai đoạn từ giai đoạn thăm dò sang giai đoạn phát triển, với hàng núi công việc liên quan tới dự án, tập trung chủ yếu ở các báo cáo đánh giá, báo cáo đầu tư và thiết lập mô hình quản lý điều hành cho giai đoạn phát triển. Các bên đã trao đổi rất nhiều, cuối cùng mô hình quản lý theo kiểu Liên doanh Điều hành chung (Groupement) đã được lựa chọn theo sáng kiến của nước chủ nhà. Kết quả đàm phán và sự phối hợp trong công việc giữa hai anh trong vai trò Giám đốc Dự án và Trưởng phòng Phát triển đã là minh chứng sinh động cho sự đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước các yêu cầu đôi khi phi lý của nước chủ nhà. Chính sách nhân viên của GBRS cuối cùng được xây dựng trên cơ sở 3 chính sách nhân viên của PVEP, PTTEP và Sonatrach, lựa chọn những điểm ưu việt hơn để áp dụng. Như đã nói ở trên, ngày 10/02/2009 thỏa thuận về việc thành lập Liên doanh điều hành chung Bir Seba (GBRS) đã được ký kết giữa các bên tham gia (trên cơ sở đó ngày 13/12/2009 đã hoàn thành đăng ký kinh doanh cho GBRS). Trong tiến trình đi tới bước ngoặt mang tính lịch sử của dự án này, hình ảnh và vai trò của anh Nguyễn Văn Quế và anh Lê Bá Tuấn vô cùng rõ nét. Mặc dù vậy, khoảng thời gian sau đó vẫn rất gian nan, khó khăn vẫn còn chồng chất. Hơn ai hết, chính anh Nguyễn Vũ Trường Sơn (Tổng Giám đốc PVN) hiểu rõ điều này vì thời điểm đó anh đang là Tổng Giám đốc của PVEP. Một lần tháng 11/2009, anh sang dự họp MCM và tôi ra sân bay đón anh về văn phòng. Trên đường, anh có hỏi tôi: Em làm bộ phận Hành chính, có khi nào em quan tâm tới những vấn đề khác không? Em có biết những khó khăn hiện tại của dự án này không? Rồi không để tôi trả lời, anh đã nói luôn: Dự án hiện đang gặp khó khăn, không biết có đi tiếp được hay không. Khoảng cách mong manh chỉ như thế này. Rồi anh khép hai ngón cái và ngón trỏ lại, nheo mắt nhìn tôi. Tôi nhìn qua kẽ tay, thậm chí không còn thấy một tia sáng. Sau tôi mới biết, đó là lúc các bên đang « cân » bài toán kinh tế cho mỏ, hiệu quả của mỏ Bir Seba tại thời điểm đó chỉ vượt điểm hòa vốn không nhiều. Tôi vẫn nhớ vào mỗi buổi sáng sớm, anh Quế thường rủ anh Tuấn, Thanh và tôi đi chạy. Khu nhà chúng tôi ở nằm ở Dely Ibrahim, cách văn phòng chừng 20 phút đi ô tô. Không xa lắm là khu liên hợp thể thao có sân golf, đường rộng lại vắng nên chúng tôi thường chạy một vòng chừng 2 km rồi quay về. Anh Quế người đậm nên đi bộ, mặc cho ai chạy thì chạy. Ấy vậy mà anh đi bộ rất nhanh, mấy anh em cứ chạy xong khoảng 200m gần nhà thì đi bộ thả lỏng, cứ nghĩ ông anh đang ở rất xa, không ngờ chỉ vài phút sau đã thấy anh ở sau lưng, rồi thậm chí còn phăm phăm đi về đến nhà trước. Dự án lúc đó đã vào Groupement, chế độ được cải thiện nhiều, đặc biệt là các hoạt động văn thể. Anh Quế thường rủ chúng tôi đi đánh tennis ở sân Ben Acknoun, anh chơi rất hay, vẫn thường hay « mắng » tôi khi đứng cặp với anh: Chú đánh thế này thì « chết » ! Một kỷ niệm nữa với anh Quế là hồi đó (2008), bếp ăn đang thiếu đầu bếp, việc duy trì bếp ăn đứng trước thử thách. Với tư cách Chủ tịch Công đoàn lại làm hành chính, tôi báo cáo anh. Anh nói: «Em làm cái survey, kiểu Questionnaire, nếu mọi người đồng ý thì tiếp tục ». Quả nhiên, cách làm đó hiệu quả, trên cơ sở kết quả survey, Công đoàn tiếp tục duy trì bếp ăn (xuống tận Oran mời em Nguyễn Minh Tuệ đang làm ở khách sạn về làm cho dự án, phụ trách bếp ăn), mãi tới 2010 bếp mới dừng hoạt động. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, việc duy trì bếp ăn tập thể là cần thiết cho một dự án kiểu này (hầu hết là đàn ông, công việc bận rộn, phụ cấp ít, khách nhiều), chỉ khi không còn đủ điều kiện nữa thì mới đành thôi. Rất tiếc Công đoàn đã không còn tiếp tục duy trì được bếp để sau này khi có các đoàn sang thì thường đón tiếp mang tính cá nhân với số lượng hạn chế chứ không còn danh nghĩa Dự án để « tiệc tùng » đông vui thậm chí có khi thâu đêm suốt sáng như ngày trước nữa (chế độ lúc này mỗi cán bộ biệt phái được ở trong một căn hộ, 02 phòng ngủ, phòng khách, bếp, 02 toa lét, … khác hẳn thời ở Colone hay Dely Ibrahim, mỗi người chỉ có 1 phòng riêng để ở, còn mọi thứ đều chung).
  • Những ký ức xanh màu ô liu ( phần 2)

    By Kẻ lang thang →
    DỰ ÁN ĐẦU TIÊN

    Dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria là dự án đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam tại nước ngoài, tức bên ngoài lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam, không những thế còn ở tít tận bên châu Phi xa xôi vạn dặm. 

    Tên đầy đủ là dự án liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 433a và 416b, Toughout, được ký kết hợp đồng ngày 10/7/2002 giữa Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC – tiền thân của PVEP) và Công ty dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) theo tỷ lệ Việt Nam 75% và Algeria 25%. Người đã thay mặt cho PIDC (theo ủy quyền của PVN) ký hợp đồng là chú Lê Văn Trương , lúc đó là Phó Giám đốc PIDC. 

    Ở buổi bình minh dự án chỉ có sự hợp tác của PVEP và Sonatrach, sau đó có thêm sự hiện diện của PTTEP, lúc này PVEP vẫn tiếp tục giữ vai trò Nhà Điều hành cùng với PTTEP (Thái Lan – 35%) và Sonatrach (Algeria – 25%). Tùy theo từng giai đoạn mà thành phần các bên tham gia điều hành khác nhau nhưng tại đơn vị điều hành (PIDC/PVEP-Algeria hay sau này là GBRS) luôn có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều nước trên thế giới và nhân viên địa phương. 

    Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà thầu tham gia thi công dự án (trong đó có nhiều công ty của PVN như PVD, PTSC, PVI) cũng đóng góp một số lượng đáng kể khiến nhân lực làm việc tại dự án (cả trực tiếp và gián tiếp) có thời điểm lên tới cả ngàn người. 

    Tháng 4-2005 là một mốc có ý nghĩa đặc biệt đối với Dự án, đó là giếng khoan thứ hai (BRS-6) trên sa mạc thành công. Tám tháng sau đó, tháng 12-2005, mũi khoan thứ 3 (BRS-6bis) đã mang lại kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi, cho dòng dầu rất khả quan. Trong bức thư gửi dịp Tết Bính Tuất (2006) Giám đốc PIDC Đỗ Văn Hậu đã khen ngợi và đánh giá cao những nỗ lực và thành công của giếng khoan cũng như chúc toàn thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên dự án đón một mùa xuân trọn vẹn, tiếp tục gặt hái những thành công mới. Bức ảnh Giám đốc dự án Nguyễn Quốc Thập cùng anh em cười tươi bên ngọn lửa thử vỉa sáng bừng sa mạc đã đi vào lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam. 

    Tuy nhiên mọi việc không đơn giản. 

    Thực tế tại dự án, giai đoạn thăm dò thẩm lượng kéo dài tới 5 năm ở cả 3 cấu tạo Bir Seba, MOM và BAT . Mãi tới cuối 2008, các báo cáo phát hiện cuối cùng (FDR) và báo cáo đầu tư của mỏ Bir Seba (sau đó là mỏ MOM) mới được nước chủ nhà và các bên phê duyệt cho tiến hành công tác phát triển khai thác. 

    Ngày 10/02/2009 thỏa thuận về việc thành lập Liên doanh điều hành chung Bir Seba (GBRS) đã được ký kết giữa các bên tham gia (trên cơ sở đó ngày 13/12/2009 đã hoàn thành đăng ký kinh doanh cho GBRS) với tổng số vốn đầu tư 1,26 tỷ USD. Đó là một quyết định mang tính lịch sử vì thể hiện được sự ủng hộ chính thức của nước chủ nhà cho công tác phát triển mỏ Bir Seba và mỏ MOM để đưa vào khai thác với trữ lượng dầu thu hồi ước tính 175 triệu thùng. 
    Có thể nói, bằng việc GBRS ra đời, dự án đã chính thức thành công. Đây không chỉ là thành công của PVEP mà đồng thời cũng là thành công của ngành dầu khí Việt Nam ở dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài. 

    Giai đoạn sau này (từ 2013) khi tiến hành khoan và thử vỉa để phát triển mỏ Bir Seba, một số giếng khoan đã cho những kết quả rất tốt (ví dụ giếng BRS-21), điều này đã giúp cho PVEP có cơ sở xem xét và điều chỉnh trữ lượng mỏ cũng như gia tăng trữ lượng thu hồi (hiện tại ước tính trữ lượng tại chỗ là 1 tỷ thùng, trữ lượng thu hồi 260 triệu thùng dầu).

    NHỮNG CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN

    Để có được những thành công ngày hôm nay không thể quên được những khó khăn gian khổ trong giai đoạn đầu triển khai dự án trên đất Algeria và dấu ấn của những người Giám đốc Dự án, những vị "thuyền trưởng" trong chiến hạm đầu tiên vượt biển ra khơi của ngành dầu khí Việt Nam. 

    Ở thời điểm đó (2003), cơ chế đầu tư ra nước ngoài của Nhà nước, các quy trình, quy chế của PVN/PVEP cho hoạt động đầu tư nước ngoài còn chưa đồng bộ. Việc triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn bên cạnh chế độ chính sách cho cán bộ đi làm việc dự án nước ngoài còn nhiều bất cập. 

    Có thể kể đến những khó khăn trong chuyển tiền ra nước ngoài, lương không hấp dẫn so với mặt bằng chung, chế độ đi lại 3 tháng về 2 tuần (12ON/2OFF), điều kiện sinh hoạt, làm việc thiếu thốn, khác biệt về văn hóa tôn giáo, an ninh không đảm bảo vì Algeria vừa trải qua nội chiến, … Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền cả trong và ngoài nước, anh em vẫn một lòng đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại vì mục tiêu nhiệm vụ chính trị được giao. 

    Cho đến tận bây giờ khi nghĩ lại những ngày tháng ấy, đánh giá chung của đa số anh em là “Vô cùng khó khăn, vô cùng vất vả!” và sau đó là những ánh mắt lấp lánh không che dấu được sự tự hào. 

    Nếu một lần nào đó bạn được đến với đất nước Algeria, tới thăm dự án giữa Sahara trùng trùng cát trắng, bạn có thể tự mình cảm nhận được điều đó. Sự khó khăn có thể đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, môi trường xã hội, điều kiện sống, … còn nỗi vất vả thì lại chủ yếu đến từ những trăn trở suy tư các cơ hội tồn tại và phát triển, làm thế nào để thực hiện được những chủ trương của Tập đoàn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho, đưa dự án đi đến thành công. 

    Không ai hiểu chính xác những khó khăn vất vả này hơn anh Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng Giám đốc Thường trực PVN – người « thuyền trưởng » đầu tiên chỉ đạo công tác thực địa trong giai đoạn Thăm dò thứ nhất (2003 – 2005), trực tiếp điều hành thi công các chiến dịch thu nổ địa chấn và chiến dịch khoan thành công, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho dự án. 

    Có lần nói chuyện với anh em mới sang dự án, ngoài việc khắt khe yêu cầu từng cá nhân phải đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, anh động viên khuyến khích anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ để vừa hỗ trợ thêm công việc vừa có thể giao tiếp với người bản xứ, để có được những người bạn mà qua đó có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của nước bạn, một điều anh cho là “may mắn” mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua. Bên cạnh đó, anh quán triệt cho chúng tôi những người Việt Nam lần đầu sang nước ngoài làm việc là “các em chính là đại diện của Việt Nam, mỗi người cần thể hiện bản thân mình trước cộng đồng bản xứ như một đại sứ, đa phần họ không biết người Việt Nam như thế nào cả nhưng qua các em, qua thái độ và hành vi của các em mà họ sẽ hiểu về người Việt Nam”. 

    Anh nhấn mạnh cụm từ “người Việt Nam” khiến tất cả chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Chúng tôi hiểu chứ, nước Việt Nam từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 thì người dân mới có danh xưng là “người Việt Nam”, để có được sự tự hào đó thì biết bao thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Lịch sử Việt Nam và Algeria có sự tương đồng trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ thứ 20. Đều là thuộc địa của đế quốc Pháp, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, sự thôi thúc trong cội nguồn các dân tộc bị áp bức đã bùng nổ lên những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Việt Nam là ngọn cờ đầu trong phong trào giành độc lập của các nước thuộc địa với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ảnh hưởng tới Algeria trong việc thành lập Mặt trận Giải phóng Quốc gia năm 1954 và đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1962. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ là những cái tên Việt Nam mà người Algeria vô cùng ngưỡng mộ. 

    Anh không nói nhưng chúng tôi hiểu rằng hãy làm người Việt Nam để xứng đáng với hình ảnh Việt Nam đã có trong lòng người dân Algeria. 

    Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các cấp nhưng cho đến thời điểm này (2016) dự án Algeria vẫn được anh Thập quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Ở anh luôn có một tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, quyết liệt trong công việc nhưng gần gũi thân mật với anh em trong đời sống. 

    Tôi chứng kiến nhiều lần anh sang họp Ủy ban Quản lý (MCM), lần nào đến văn phòng anh cũng đi một vòng để thăm hỏi và bắt tay mọi người, không kể là cán bộ biệt phái Việt Nam, chuyên gia nước ngoài hay nhân viên địa phương. Được nắm bàn tay của người chỉ huy cao nhất thời điểm đó như truyền hơi ấm cho chúng tôi bước tiếp những chặng đường. 



    Trong lúc nói chuyện, ngoài việc chuyên môn, anh cũng quan tâm tới cộng đồng Việt Nam tại Algeria, ai còn ai mất, ai hết nhiệm kỳ. Nhắc những kỷ niệm xưa thời sơ khai (2003) phải nấu ăn ở khách sạn Hilton hay tạm trú trong Đại sứ quán, anh không khỏi bồi hồi. Ít nhất, bản thân anh cũng đã từng có gần 2 năm sống đời dự án nơi đây, xa gia đình, xa Tổ quốc, xa bạn bè. Chỉ còn có đồng đội chính là những người đồng nghiệp, có người đáng tuổi con, tuổi cháu anh, họ đã chia sẻ cùng anh những gì thiếu hụt để sau này, khi dự án đã sang trang, nhiều thế hệ mới đã tiếp nối giữ ngọn cờ dự án, anh đã tập hợp anh em ở Việt Nam (sau khi kết thúc nhiệm vụ ở dự án) để thành lập Hội Dầu khí Algeria vào năm 2011. Với thành phần là các cựu cán bộ (CCB – anh em hay đọc chệch là Cựu Chiến Binh) của PVEP Algeria từ thời sơ khởi thành lập đề án (trước khi đấu thầu quốc tế năm 2002), Hội đã quy tụ được nhiều gương mặt lão làng của ngành Dầu khí Việt Nam, từ các anh đã nghỉ hưu như anh Đỗ Văn Hậu, Lê Văn Trương, Nguyễn Mạnh Huyền , Nguyễn Văn Giáp , Lâm Văn Lanh … cho đến các anh tuổi "ngấp nghé" như anh Lê Tuấn Việt , Nguyễn Quốc Thắng , Nguyễn Văn Cư . Hội có Chủ tịch Danh dự (chính là anh Nguyễn Quốc Thập), có Ban Liên lạc, có Điều lệ, có chức năng và hoạt động cụ thể, hiện đang phát huy tích cực vai trò của mình đối với các cựu thành viên của PVEP Algeria năm xưa. 

    Những buổi gặp thường niên vào ngày 12/7 hay Tết Âm lịch ở cả hai miền Nam Bắc, dù bận đến mấy anh Thập đều có mặt. Tại đây các thành viên của Hội dù tóc bạc hay đầu xanh vẫn như chung một nhịp đập của dự án Algeria, bên cạnh việc quan tâm tới tình hình dự án, họ vẫn hồn nhiên chia sẻ với nhau những kỷ niệm, những kinh nghiệm, những bài học, những kiến thức, vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Đã bước sang năm thứ 6 kể từ ngày thành lập, số hội viên ngày một đông thêm, thành công này không thể có nếu không có dấu ấn của người thuyền trưởng đầu tiên Nguyễn Quốc Thập.